Dù ngon nhưng việc ăn rau muống có thực sự tốt cho sức khỏe hay không? Cùng chuyên mục Sức khỏe dinh dưỡng của KHOEPLUS24H để tìm hiểu rõ hơn về rau muống là gì? Cùng với cách phân loại, các tác dụng, một số lưu ý và cách chọn rau muống sao cho ngon, an toàn khi chế biến để mang lại hiệu quả cho sức khỏe ra sao nhé!
Rau muống là gì?
Đặc điểm
Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatic, thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), là loại cây thân thảo và được trồng để ăn lá.
Thân dài, dày, rỗng và có thể mọc bò trên mặt nước hoặc trên cạn (đất bùn). Mỗi khớp thân cây có chiều dài khoảng 5cm và chỉ có rễ ngắn mọc giữa các khớp nối đối với loại rau muống mọc bò trên mặt nước.
Lá rau muống hình ba cạnh, đầu nhọn, kích thước lá có thể hẹp và dài. Hoa rau muống to, màu trắng hoặc hồng tím cùng với phần ống hoa màu tím nhạt, và mọc từ 1 – 2 bông hoa trên mỗi cuống.
Quả nang tròn với đường kính từ 7 – 9mm, thường chứa 4 hạt có lông màu hung và mỗi hạt có đường kính khoảng 4mm.
Đây là loài cây sinh trưởng nhanh, sống ở nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.
Phân bố
Rau muống có nguồn gốc vùng nhiệt đới như châu Á, châu Phi, khu vực Nam và Đông Nam Á, Trung Á và châu Đại Dương.
Phân loại rau muống
Bạn có thể bắt gặp 2 loại rau muống là:
Rau muống tàu, trên cạn: có thân thường màu trắng, kích thước nhỏ và được gieo trồng theo luống đất, không cần tưới nhiều nước. Loại rau muống này thường được ăn sống hoặc xào.
Rau muống ta, dưới nước: có thân màu đỏ, kích thước to, nhìn mọng nước và được mọc hoang hoặc trồng tại những nơi có nhiều nước, độ ẩm cao. Ngoài ra, rau muống này còn gọi là rau muống đồng, rau muống ruộng hoặc rau muống đỏ. Loại rau muống này thích hợp luộc hơn là xào và ăn sống.
Giá trị dinh dưỡng có trong rau muống
Theo Đông y, rau muống có vị ngọt và tính hơi lạnh (nhưng khi nấu chín thì sẽ giảm bớt đi tính hàn) nên có nhiều công dụng trong việc chữa và phòng bệnh như: thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải một số chất độc xâm nhập vào cơ thể (như sắn độc, lá ngón, nấm độc,…),…. Và theo y học hiện đại, rau muống chứa nhiều chất xơ, vitamin A, C cùng với một số thành phần tốt cho sức khỏe người dùng.
Trung bình, cứ 100g rau muống chứa các chất dinh dưỡng như:
- Năng lượng: 19kcal
- Carbohydrate: 3,14g
- Nước: 78,2g
- Chất đạm: 2,6g
- Vitamin A: 39% DV
- Vitamin C: 66% DV
- Các khoáng chất như: 77mg canxi; 39mg photpho; 312mg kali, 113mg natri,….
Tác dụng của rau muống
Rau muống không chỉ đơn giản trở thành nguyên liệu để chế biến ra nhiều món ăn ngon, mà còn được sử dụng sao cho đúng cách để có được lợi ích từ loại rau này, như:
Hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa
Nhờ chứa hàm lượng chất xơ nhiều mà việc ăn rau muống làm cho hệ tiêu hóa được hoạt động tốt hơn, có lợi cho những người đang mắc phải chứng khó tiêu hoặc đang bị táo bón.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy: chiết xuất dịch từ rau muống có tác dụng hiệu quả trong việc tẩy giun, làm cho cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm tốt hơn.
Hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu
Rau muống chứa nhiều chất sắt, nhất là loại rau muống thân đỏ. Sắt là một khoáng chất quan trọng không thể thiếu trong việc sản xuất hemoglobin (huyết sắc tố) của hồng cầu, giúp cho cơ thể cải thiện tình trạng thiếu máu.
Góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa ung thư
Rau muống dường như chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cần cho cơ thể. Cụ thể, với hàm lượng chất chống oxy hóa như vitamin A, C và beta-carotene, có khả năng ngăn chặn sự phát triển và tác động của các gốc tự do trong cơ thể.
Dẫn đến việc làm giảm lượng cholesterol toàn phần cũng như tránh được việc hình thành các mảng lipid lắng động trên thành mạch, gây xơ vữa động mạch vành.
Ngoài ra, chất folate có trong rau muống còn hỗ trợ việc chuyển đổi homocysteine, giảm nguy cơ gây ra các triệu chứng đau tim và đột quỵ. Hơn nữa, khoáng chất magie cũng có ích trong việc làm giảm huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Khi bạn có chế độ ăn uống hợp lý với rau muống, cơ thể sẽ hấp thụ tối ưu đến 13 chất chống oxy hóa khác nhau, ức chế sự phát triển các tế bào ung thư cũng như ngăn ngừa một số bệnh ung thư.
Giúp giảm cholesterol, giảm chất béo trong cơ thể
Theo kết quả nghiên cứu trên cơ thể chuột cho thấy: việc ăn rau muống có thể làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần và triglyceride trong máu một cách tự nhiên. Chỉ số triglyceride có liên quan đến lượng mỡ trong máu – nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch,….
Vì thế, việc ăn rau muống với lượng vừa phải sẽ giúp cho cơ thể giảm được lượng cholesterol đáng kể.
Giúp mắt sáng, làm tóc khỏe, chống lão hóa và trẻ hóa da
Hàm lượng vitamin A, carotenoid và lutein trong rau muống đều có lợi cho mắt, da và tóc. Không những thế, rau muống còn làm tăng mức glutathione trong cơ thể, giúp phòng được bệnh đục thủy tinh thể.
Hơn thế nữa, làn da được cải thiện cũng như đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa khi bạn ăn rau muống. Vì trong rau có chứa nhiều chất chống oxy hóa, ngăn chặn sự tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Thậm chí, việc dùng nước ép rau muống còn được xem là bí quyết để có được làn da đẹp vì có khả năng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
Một số tác dụng khác
Rau muống còn có tác dụng trong việc làm giảm đường huyết trong máu khi được chứng minh thông qua cuộc thử nghiệm trên các bệnh nhân bị tiểu đường loại 2, với phương pháp điều trị bằng dịch chiết xuất từ rau muống. Kết quả, hàm lượng đường huyết trung bình của họ giảm tới 29,4%.
Bên cạnh đó, rau muống có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày, đau răng, chảy máu mũi, đau bụng kinh, khó ngủ,….
Lưu ý khi chế biến và ăn rau muống
Rau muống nổi tiếng là một trong những loại thực phẩm có nguy cơ bị ngộ độc cao do thói quen sử dụng không đúng cách. Vì thế, KHOEPLUS24H khuyên bạn nên lưu ý một số vấn đề trong cách chế biến và ăn rau muống như sau:
Không nên rửa rau muống bằng nước lã
Rau muống thường mọc ở những khu vực ao hồ nên có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng cao, gây hại cho cơ thể. Vì thế, nếu rửa rau muống bằng nước lã thông thường, chúng sẽ không chết và có cơ hội đi vào cơ thể qua con đường ăn uống.
Hạn chế ăn rau muống sống hoặc tái
Vì rau muống có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng cao, nên khi ăn sống hoặc tái loại rau này thì bạn vô tình làm cho các ký sinh trùng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, nhất là loại ký sinh trùng sán lá ruột lớn – tên Fasciolopsis buski. Nó sẽ bám vào thành ruột và gây ra các triệu chứng khó tiêu, đau bụng và cả dị ứng.
Thậm chí, dù ăn rau muống dạng tái (phổ biến nhất là khi ăn lẩu) thì bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh giun sán cao vì ký sinh trùng có thể làm tổ trong ruột.
Ngoài ra, việc lạm dụng hóa chất khi trồng rau muống cũng là điểm đáng chú ý, các hóa chất này cũng sẽ gây hại cho cơ thể nếu như bạn ăn phải.
Tránh đậy vung khi luộc rau muống
Khi luộc rau muống, bạn nên mở nắp vung để các hóa chất có trong rau theo hơi nước đi ra ngoài. Đồng nghĩa với việc, bạn sẽ tránh hấp thụ các chất độc hại từ thuốc trừ sâu hoặc thuốc tăng trưởng khi trồng rau muống.
Tránh ăn rau muống trái mùa
Ngày nay, bạn có thể tìm mua và ăn rau muống quanh năm thay vì chỉ mùa hè như trước đây (rau muống chỉ có vào mùa hè), nhưng theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Hòa (hiện là Phó giám đốc tại Trung tâm phát triển nông thôn bền vững) đã chia sẻ: tỉ lệ sử dụng hóa chất khi trồng rau muống trái mùa dường như là 100%, nghĩa là rau muống khi trồng trái mùa sẽ khó có thể kiểm soát tốt được (ngoài trừ các cơ sở trồng rau sạch theo tiêu chuẩn).
Vì thế, ăn rau muống trái mùa có thể làm cho cơ thể bạn hấp thụ phải hóa chất độc hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng đến hệ thần kinh,….
Không nên ăn rau muống chung với sữa
Rau muống làm giảm khả năng hấp thụ canxi từ các loại thực phẩm khác trong cơ thể. Vì thế, nếu bạn kết hợp rau muống và thực phẩm làm từ sữa ăn cùng một lúc, thì cơ thể sẽ khó hấp thụ được tối ưu lượng canxi từ thực phẩm.
Những người không nên ăn rau muống
Rau muống cũng gây ra nhiều tác dụng phụ và làm cho tình trạng sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn đối với những người đang gặp phải vấn đề:
- Sỏi thận, gout và huyết áp cao.
- Đau nhức xương khớp: một số chất trong rau muống sẽ làm cho tình trạng viêm trở nên đau tê thêm.
- Đang bị tiêu chảy hoặc gặp phải các vấn về tiêu hóa: vì rau muống có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng như Fasciolopsis buski có thể gây ra các chứng khó tiêu, đau bụng và dị ứng.
- Bụng yếu hoặc đang bị ngộ độc.
- Đang có vết thương hở, mềm: rau muống kích thích tăng sinh tế bào mới, gây sẹo lồi trên da, mất thẩm mỹ, thậm chí là kéo dài thời gian điều trị vết thương.
- Đang mang thai có tình trạng sức khỏe không ổn định.
- Đang bị suy nhược cơ thể nặng.
- Đang sử dụng thuốc để chữa bệnh, vì có thể một số chất trong rau muống làm giảm đi tính hiệu quả của thuốc.
Cách chọn mua rau muống tươi ngon, an toàn
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe mà vẫn hấp thụ chất dinh dưỡng tốt từ rau muống, bạn cũng nên chú ý đến việc chọn mua loại rau này sao cho tươi và an toàn nhất.
Vì thế, bạn hãy ưu tiên chọn bó rau muống có cọng rau chỉ to bằng đầu đũa ăn cơm, tránh chọn những cọng có kích thước to bất thường. Phần ngọn nhỏ và nhìn hơi cứng.
Tránh chọn rau muống nhìn quá xanh mướt, khi bẻ cọng thấy rất giòn và lá có màu xanh thẫm. Hơn nữa, bạn nên chọn ăn rau muống theo mùa, cụ thể là vào mùa hè từ tháng 4 – 6 để tránh ăn phải rau muống có lạm dụng chất hóa học khi trồng trái mùa.
Ngoài ra, việc sơ chế rau muống cũng khá quan trọng. Bạn nên ngâm nước muối pha loãng sau khi nhặt rau, rửa thật sạch và để ráo. Sau đó, cho rau muống vào túi zip để bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn rau củ của tủ lạnh khoảng vài ngày. Cách làm này sẽ giúp bạn giảm bớt lượng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu khi trồng rau muống.
Xem thêm:
- Rau nhút – rau rút là gì? Rau nhút có tác dụng gì? Ai không nên ăn rau nhút
- Cách làm lòng lợn xào rau răm thơm ngon, hấp dẫn
- Rau càng cua là gì, công dụng của rau càng cua
Với những chia sẻ phía trên, KHOEPLUS24H hy vọng sẽ giúp bạn có thêm rất nhiều thông tin hữu ích liên quan đến rau muống là gì? Phân loại, tác dụng, lưu ý và cách chọn rau muống sao cho ngon, an toàn để có được món ăn ngon và tốt cho sức khỏe.