Bạn đã từng nghe đến rau mầm với cách trồng vô cùng dễ dàng nhưng không biết chúng là loại rau gì? Có bao nhiêu loại và công dụng ra sao? Hôm nay, chuyên mục sức khỏe dinh dưỡng của KHOEPLUS24H sẽ giúp bạn giải đáp các vấn đề trên qua bài viết sau đây nhé!
Rau mầm là gì?
Rau mầm là cây rau non đang trong quá trình lên mầm, có kích thước nhỏ (khoảng từ 5 – 10cm). Đây là loại rau được gieo trồng và thu hoạch trong một khoảng thời gian ngắn (10 – 100 ngày tuỳ từng loại). Rau mầm khá dễ sống và không cần quá nhiều không gian, vậy nên chúng dần phổ biến và được nhiều người ưa chuộng.
Ưu điểm của loại rau này là dễ trồng và chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khoẻ của con người như: chất đạm, vitamin, chất khoáng hữu cơ, phytochemical và axit amin. Vì có đặc điểm mỏng, mọng nước nên rau mầm có thể được sử dụng toàn bộ từ phần lá cho đến phần rễ.
Tuy chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng rau mầm cần phải được làm sạch và chế biến đúng cách, nếu không chúng sẽ trở nên vô tác dụng và đôi khi gây hại cho sức khoẻ của chúng ta nữa đấy!
Các loại rau mầm ăn được
Rau mầm họ cải
Mầm họ Cải (tên khoa học: Brassiaceae) là một danh từ chỉ chung cho các loại rau mầm thuộc họ cải như: rau mầm cải xanh, cải thìa, cải xoong, cải ngọt,… Nhóm rau mầm này rất dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch nhanh chóng (từ 5 – 7 ngày sau khi gieo hạt).
Mầm họ cải có kích thước rất nhỏ, lá của chúng hình trái tim và được chia thành 2 loại: rau mầm trắng có đặc điểm thân trắng, lá nhỏ màu hơi vàng và rau mầm xanh có đặc điểm thân trắng, lá xanh.
Các loại rau mầm họ cải chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cao gấp 5 lần so với loại rau cải thông thường. Đặc biệt, trong loại rau này có chứa các thành phần nổi trội gồm: Các hợp chất phenolic, glucosinolates và glucosinolates indole giúp ngăn ngừa ung thư, tiểu đường loại 2,…
Rau mầm củ cải trắng là một nguồn cung cấp dồi dào hàm lượng vitamin A, C, D, E, chất đạm, chất sắt, canxi và enzym cực kỳ tốt cho sức khoẻ. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng: hàm lượng vitamin A trong rau mầm thậm chí cao gấp 10 lần so với khoai tây.
Trong đó, hàm lượng vitamin E giúp làm sáng da, chống lão hoá, phòng ngừa ung thư và tình trạng xơ cứng tế bào. Vitamin A, D có khả năng làm tăng cường thị giác, hạn chế căng thẳng và mệt mỏi cho cơ thể. Hàm lượng enzym dồi dào giúp kích thích vị giác, hỗ trợ hệ tiêu hoá hấp thụ thức ăn tốt và tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch.
Rau mầm củ cải trắng phát huy công dụng tốt nhất khi được làm sạch và ăn sống. Bên cạnh đó, loại rau này còn được chế biến thành các món xào, món lẩu, món súp hay món salad trộn.
Lưu ý: Bạn chỉ nên ăn khoảng 100gr rau mầm/ ngày ( đối với trẻ nhỏ thì khoảng 25gr/ ngày) và không được ăn quá 200gr/ ngày để đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hoá cũng như sức khoẻ của bản thân nhé!
Rau mầm súp lơ xanh
Trong rau mầm súp lơ xanh có chứa các chất chống oxy hoá, đặc biệt là hàm lượng glucosinolate cao gấp 30 lần so với loại súp lơ trưởng thành.
Các hợp chất chống oxy hoá này có tác dụng ức chế sự hoạt động của các tế bào ung thư, từ đó ngăn ngừa và phòng chống ung thư vô cùng hiệu quả. Đồng thời, rau mầm súp lơ xanh còn có công dụng làm đẹp, duy trì sự tươi trẻ cho làn da.
Các loại rau mầm họ đậu (giá đỗ)
Rau mầm họ Đậu (Fabaceae) là một nhóm các loại mầm như: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành,… Mầm họ đậu thường có hạt to, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh và phát triển nhanh nên được trồng phổ biến tại Việt Nam. Chúng được đánh giá là một loại rau giàu chất dinh dưỡng và vitamin có lợi cho sức khoẻ.
Rau mầm đậu xanh
Mầm đậu xanh có chứa rất nhiều chất chống oxy hoá như riboflavin, vitexin và isovitexin cùng các chất dinh dưỡng thiết yếu khác như: protein và chất xơ.
Trong đó, các chất chống oxy hoá giúp ngăn cản các tác hại của gốc tự do, giảm nguy mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường và ung thư. Bên cạnh đó, chúng còn hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến răng miệng và ngăn ngừa lão hoá.
Giá đỗ xanh có chứa các thành phần dinh dưỡng giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Từ đó, phòng chống hiệu quả các bệnh liên quan đến huyếp áp và tim mạch do cholesterol xấu gây ra.
Ngoài ra, hàm lượng protein và chất xơ dồi dào có trong mầm đậu xanh còn khiến bạn no lâu hơn, hạn chế được cảm giác thèm ăn. Điều này rất tốt cho những người đang trong quá trình giảm cân.
Rau mầm đậu đỏ, đậu đen
Rau mầm đậu đỏ, đậu đen là một nguồn cung cấp dồi dào chất chống oxy hoá, chất đạm, chất xơ, canxi và vitamin E. Các hoạt chất này có công dụng thanh nhiệt, giải độc, điều trị táo bón rất tốt.
Bên cạnh đó, chúng còn phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch. Hàm lượng vitamin E dồi dào còn giúp ngăn ngừa tình trạng lão hoá và làm đẹp da cho bạn nữa đấy!
Rau mầm đậu nành
Trong rau mầm đậu nành cung cấp rất nhiều các loại vitamin B, C, E và hàm lượng canxi giúp bảo vệ hệ tim mạch, giúp xương chắc khoẻ, làm chậm quá trình lão hoá và phòng chống bệnh huyết áp cao hiệu quả.
Rau mầm rau muống
Rau mầm rau muống có vị ngọt, tính hàn và chứa các chất dinh dưỡng cao gấp nhiều lần so với các loại rau trưởng thành. Vì thế, chúng có công dụng giải nhiệt, giải độc vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng còn làm đẹp da, chống lão hoá, bổ sung chất sắt rất tốt cho những người đang bị thiếu máu.
Rau mầm hướng dương
Tuy mang giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại rất khó chăm sóc, giá hạt lại khá đắt nên mầm hướng dương được ít được trồng phổ biến như những loại rau mầm khác. Rau mầm hướng dương có công dụng làm sáng mắt, cân bằng huyết áp, hỗ trợ hệ tiêu hoá và chữa đau dạ dày rất tốt.
Các loại mầm không nên ăn
Bên cạnh những loại rau mầm tốt cho sức khoẻ như đã kể trên, thì cũng có những loại rau mầm mà chúng ta tuyệt đối không nên ăn vì sẽ gây hại cho sức khoẻ như: Mầm đậu ván, mầm khoai lang, mầm khoai tây,… Ăn phải những loại mầm này sẽ khiến cơ thể bị chóng mặt, buồn nôn và dễ bị tiêu chảy.
Tác dụng của rau mầm
Nhiều chất dinh dưỡng
Rau mầm không chứa nhiều hàm lượng calo như những loại thực phẩm khác. Ngoài ra, nhờ có quá trình nảy mầm, mà rau mầm được tăng các chất dinh dưỡng như: Vitamin C, K, protein và khoáng chất: folate, magiê, photpho, mangan nhiều hơn so với cây chưa nảy mầm. Bên cạnh đó, rau mầm còn là một nguồn cung cấp chất chống oxy hoá và hợp chất thực vật dồi dào.
Một cuộc nghiên cứu đã cho thấy: Quá trình nảy mầm giúp làm tăng hàm lượng protein, axit amin thiết yếu cao hơn. Đặc biệt, số lượng axit amin cũng nhờ quá trình nảy mầm này mà tăng đến hơn 30%.
Khi nảy mầm, loại rau này đã được làm giảm lượng chất kháng dinh dưỡng đi rất nhiều (khoảng 87%) và nhờ đó, mà protein có trong rau mầm khi được nạp vào cơ thể rất dễ tiêu hoá.
Kiểm soát đường huyết
Trải qua nhiều cuộc nghiên cứu thực tế, rau mầm đã được chứng minh ít nhiều là có khả năng giúp kiểm soát đường huyết của những người đang mắc bệnh tiểu đường loại 2. Một giả thuyết đã cho rằng: Có thể trong rau mầm chứa các thành phần giúp đẩy mạnh khả năng hoạt động của enzym amylase – một loại enzym giúp điều chỉnh lượng đường trong cơ thể.
Để chứng minh cho điều đó, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu trên cơ thể của những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Kết quả cho thấy, sau một thời gian dài kết hợp ăn 60gr rau mầm đậu lăng cùng với chế độ ăn bình thường, nhóm người bị tiểu đường loại 2 đã giảm được 10% nồng độ hemoglobin A1c trong cơ thể.
Cũng với một cuộc nghiên cứu khác, nhóm người bị tiểu đường loại 2 sau khi duy trì nạp bột mầm bông cải xanh trong 8 tuần đã giảm được hàm lượng insulin trong máu cùng với giảm chứng kháng insulin.
Cải thiện tiêu hoá
Vì rau mầm có chứa hàm lượng chất xơ, gluten nhiều hơn các loại rau thông thường và chứa ít chất kháng dinh dưỡng hơn nên chúng đặc biệt tốt cho hệ tiêu hoá của chúng ta. Trong đó, chất xơ không hoà tan giúp tăng cường khả năng hoạt động của hệ tiêu hoá và hạn chế tình trạng táo bón.
Ngoài ra, các loại rau mầm họ đậu chứa ít chất kháng dinh dưỡng và gluten nên khi dung nạp vào cơ thể, chúng hoàn toàn được tiêu thụ và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng.
Cải thiện sức khoẻ tim mạch
Rau mầm có chứa các thành phần giúp bảo vệ sức khoẻ tim mạch, giảm lượng cholesterol trong máu và phòng chống bệnh tim hiệu quả. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc ăn rau mầm có tác dụng hiệu quả tương tự như việc sử dụng thuốc hạ cholesterol.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng: dung nạp 100gr mầm bông cải xanh mỗi ngày giúp giảm cholesterol LDL ở nam giới và tăng cholesterol HDL ở nữ giới. Điều này có ý nghĩa vô cùng tích cực với sức khoẻ tim mạch của chúng ta.
Xem thêm:
- 8 tác dụng của rau bí đối với sức khỏe? Cách nhặt rau bí nhanh và đúng cách
- Cách làm lòng lợn xào rau răm thơm ngon, hấp dẫn
- Rau càng cua là gì, công dụng của rau càng cua
Vậy là KHOEPLUS24H vừa cung cấp các thông tin về rau mầm là gì, có bao nhiêu loại? Tác dụng của rau mầm cho sức khoẻ. Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn sẽ có thêm kiến thức về loại rau này nhé!