Mắc khén là một loại gia vị đặc trưng và khá phổ biến ở vùng núi phía Bắc bởi hương thơm và vị cay nồng vô cùng đặc biệt. Vậy mắc khén là gì và mắc khén giá bao nhiêu tiền? Hãy cùng KHOEPLUS24H tìm hiểu ngay trong nội dung bài viết dưới đây!
Hạt mắc khén là gì?
Tên gọi, danh pháp
- Tên Tiếng Việt: Mắc khén.
- Tên khác: Hoàng mộc hôi, cóc hôi, hạt sẻn, sẻn hôi, cây xuyên tiêu, cây hoàng lực, cây sẻng vàng, cây sưng.
- Tên khoa học: Zanthoxylum nitidum DC., họ Cam (Rutaceae).
Đặc điểm tự nhiên
Cây mắc khén có cành dài 1 – 2m, thậm chí lên đến 15m và có gai quặp xuống. Cành cây nhẵn, hình trụ, có gai dẹt ngắn quay về phái dưới. Lá mắc khén là lá kép lông chim lẻ, có 5 – 7 lá chét mọc đối so le với nhau. Trên gân lá đều có gai, mặt trên sẽ có màu lục sẫm và mặt dưới có màu lục nhạt, cuống lá dài.
Hoa thường mọc thành chùm hay chùm xim đơn ở kẻ lá, hoa có màu trắng, thơm, đài hình chén, có răng nhọn. Quả mắc khén thường có 1 – 5 mảnh vỏ và khi chín sẽ có màu đỏ nhạt. Ở mỗi mảnh vỏ sẽ chứa một hạt đen bóng cứng.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Mắc khén được phân bổ ở các vùng nhiệt đới như Đông Nam Á, Nam Mỹ và một số vùng ôn đới như Bắc Mỹ, Đông Á, Úc, quần đảo Thái Bình Dương. Ở nước ta, mắc khén có ở khắp mọi nơi nhưng tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, Phú Thọ, Hòa Bình và các tỉnh ở khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa trở vào).
Thu hái, chế biến
Đối với rễ, cành lá cây mắc khén, người ta thường thu hái quanh năm. Trong khi đó vỏ thân lại được thu hái vào màu xuân là chủ yếu. Bạn có thể dùng tươi các bộ phận mắc khén hoặc đem phơi khô rồi sử dụng.
Còn đối với quả mắc khén, người ta sẽ hái cả cành khi còn xanh. Sau đó, lấy quả đem phơi hoặc sấy nhẹ cho khô rồi đem sao trước khi sử dụng.
Bộ phận sử dụng
Người ta thường sử dụng quả của mắc khén là nhiều nhất. Ngoài ra cũng có thể dùng thêm các bộ phận khác như cành, rễ, lá, vỏ thân.
Giá hạt mắc khén bao nhiêu, mua ở đâu?
Hạt mắc khén hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại với nhiều giá tiền khác nhau, phụ thuộc vào chất lượng cũng như nguồn gốc. Và giá của hạt mắc khén dưới đây được Khoeplus24h.vn cập nhật vào tháng 11/2023.
Giá hạt mắc khén Trung Quốc
Hạt mắc khén không phải là loại gia vị chỉ có ở vùng Tây Bắc mà tại một số tỉnh khác của Trung Quốc như Hồ Nam, Quảng Đông cũng có loại cây này.
Tuy nhiên tùy theo điều kiện thiên nhiên cũng như loại đất mà hạt mắc khén Trung Quốc có hương vị rất riêng, không giống như mắc khén Tây Bắc.
Mắc khén Tây Bắc thường có mùi thơm đặc trưng, hương vị rất riêng mà chỉ những người đã từng thưởng thức mới cảm nhận được điều này.
Giá hạt mắc khén Trung Quốc thường nằm trong khoảng 190.000 đến 210.000 đồng/kg (cập nhật tháng 11/2023).
Giá hạt mắc khén rừng Mường Thanh
Trong rất nhiều loại hạt mắc khén thì mắc khén Mường Thanh được xem là loại mắc khén ngon nhất, thuộc hàng thượng hạng. Vì những hạt mắc khén này được thu hoạch trực tiếp từ các cây mắc khén lâu năm nên có mùi thơm nồng nàn, đặc trưng.
Vậy nên giá hạt mắc khén Mường Thanh khá mắc, dao động từ 300.000 đến 350.000 VNĐ (cập nhật tháng 11/2023). Nếu mua vào những lúc hạt mắc khén khan hiếm hàng thì giá có thể lên đến 400.000 đồng/kg.
Giá hạt mắc khén Hòa Bình
Bên cạnh mắc khén rừng Mường Thanh thì mắc khén Hòa Bình cũng là một trong số những loại mắc khén nổi tiếng. Mặc dù không có hương vị thơm ngon, đặc trưng như mắc khén của một số địa phương khác ở Tây Bắc nhưng giá cả cũng không quá rẻ.
Giá hạt mắc khén Hòa Bình nằm trong khoảng 230.000 đến 260.000 đồng/kg, còn với loại xay sẵn thì giá có thể lên đến 260.000 – 290.000 đồng/kg (cập nhật tháng 11/2023).
Giá hạt mắc khén Nghệ An
Nghệ An là một trong ít tỉnh tuy không nằm thuộc vùng Tây Bắc nhưng nhờ thổ nhưỡng phù hợp mà cây mắc khén tại đây khá thơm ngon, hấp dẫn. Bạn sẽ thường mua hạt mắc khén nghệ An với giá trong khoảng 210.000 – 250.000 đồng/kg (cập nhật tháng 11/2023).
Giá hạt mắc khén Sơn La
Cuối cùng là loại mắc khén Sơn La, theo nhiều thực khách đánh giá thì hạt mắc khén nơi đây có mùi vị khá giống với hạt mắc khén loại thượng hạng ở Tây Bắc.
Chúng được thu hoạch trong rừng già nên giá 1kg hạt mắc khén Sơn La thường nằm trong mức khoảng 270.000 đến 350.000 đồng/kg (cập nhật tháng 11/2023).
Hạt mắc khén có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, rễ mắc khén thường dùng để làm thuốc chữa sốt, sốt rét kinh niên, ra mồ hôi, tê thấp, đau lưng nhức mỏi, đau nhức xương khớp, đau răng, đau họng, rắn cắn,… Lý do là vì rễ mắc khén có tính ấm, vị cay, đắng, hơi độc, giúp hoạt huyết, tiêu thủng, thông lạc, chỉ thống.
Trong khi đó quả của mắc khén có tác dụng ôn trung, trị giun, chữa đau bụng, thổ tả, trị đau lưng, đau nhức răng,… nhờ quả có vị cay, đắng, mùi thơm, quy 3 kinh phế, thận và tùy.
Ngoài ra ở Malaysia, người ta còn giã nát vỏ thân và đắp lên răng để chữa đau răng.
Có thể bạn quan tâm: Người bị đau răng nên ăn gì? 10 thực phẩm giúp bạn giảm đau răng
Theo y học hiện đại
Tác dụng chống ung thư
Trong mắc khén có chứa hoạt chất chelerythrin và nitidin giúp chống ung thư. Thực hiện thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cấy ghép u Ehrlich, người ta thấy rằng thời gian sống của chuột kéo dài hơn nhờ thuốc này.
Hiện tượng này xảy ra là nhờ khả năng ức chế sinh tổng hợp DNA và giảm chỉ số giảm phân tế bào của thuốc. Các hoạt chất trên cũng có tác dụng tương tự đối với tế bào ung thư mũi họng KB và tế bào ung thư phổi Lewis. Đối với bệnh bạch cầu hạt mạn tính, thuốc cũng có những tác dụng nhất định.
Tác dụng chống viêm
Trong thí nghiệm trên chuột cống trắng, người ta đã sử dụng caragenin để gây phù bàn chân. Tuy nhiên, hoạt chất nitidin có tác dụng chống viêm rõ rệt, liều lượng ức chế viêm đạt 50% (ED50) tương ứng với 100mg/kg thể trọng.
Ở Trung Quốc, mắc khén đã được sử dụng để điều trị các chứng đau, gây tê cục bộ và bề mặt cũng như điều trị viêm amidan cấp tính.
Lưu ý khi sử dụng mắc khén
Dù mắc khén có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhưng bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Không nên lạm dụng mắc khén quá mức để làm thuốc hay gia vị vì nó có thể gây độc.
- Không nên dùng mắc khén làm gia vị trong khoảng thời gian dài vì dễ bị ngộ độc.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh, trẻ em không nên dùng mắc khén.
- Người bị dị ứng với một trong các thành phần hóa học của mắc khén cũng không nên sử dụng loại dược liệu này.
Cách sử dụng hạt mắc khén
Mắc khén được biết đến bởi hương thơm và vị cay của chúng, đặc biệt, khi mắc khén vừa được hái xuống vẫn còn giữ được độ tươi, đó là lúc mắc khén ngon và thơm nhất.
Tuy nhiên, hạt mắc khén tươi sẽ không giữ được lâu nên chúng thường được phơi khô để dùng dần.
Dù là khi làm gia vị hay làm nguyên liệu chính cho món chấm, bạn đều có thể xay nhuyễn mịn hoặc xay vừa phải hạt mắc khén tuỳ theo ý thích để món ăn được ngon và đúng điệu hơn.
Cách sơ chế, rang và bảo quản hạt mắc khén lâu ngày
Ngày nay, mắc khén đã được bán rộng rãi trên thị trường ở dạng bột được đóng gói cẩn thận. Tuy nhiên, hạt mắc khén thô được chế biến khi sử dụng mới là ngon nhất.
Mỗi khi ướp món ăn, bạn chỉ nên sử dụng một lượng vừa đủ mắc khén, bạn rang khô chúng trên lửa nóng để nguội từ 30 – 45 phút rồi mới tiến hành xay hoặc giã nhuyễn. Trong hạt mắc khén có chứa tinh dầu, nếu bạn xay liền khi còn nóng sẽ khiến chúng bị dính và nhau và không được mịn.
Khi không dùng đến nữa, bạn nên bảo quản mắc khén trong chai, lọ đậy kín để không bị bay mùi. Quan trọng nhất là, bạn chỉ nên để mắc khén ở nơi thoáng mát chứ không nên bỏ vào tủ lạnh nhé!
Các món ngon với hạt mắc khén
Món nướng với hạt mắc khén
Nếu bạn là người yêu thích vị ngon đậm đà, cay cay, the the nơi đầu lưỡi thì chắc chắn các món nướng với hạt mắc khén sẽ khiến bạn yêu thích.
Đây là loại nguyên liệu thường được sử dụng để nêm nếm trong nhiều món cá nướng, thịt nướng,… cùng với các nguyên liệu quen thuộc của người dân vùng Tây Bắc mang đến cho bạn một món ăn hấp dẫn, ngon miệng và ấn tượng.
Hạt mắc khén có một hương vị rất riêng, mùi thơm dịu nhẹ hòa quyện hoàn hảo với các gia vị như ớt, lá chanh, muối, tiêu mang đến cho bạn những món ăn hương vị đặc trưng làm nên ẩm thực vùng Tây Bắc.
Khi thưởng thức, bạn sẽ rất ấn tượng với hương vị cay the mà bạn có thể cảm nhận, không quá nồng nhưng lại đọng nơi đầu lưỡi và khiến vị giác bạn như bùng nổ.
Lẩu với hạt mắc khén
Bên cạnh các món nướng, hạt mắc khén còn thường được dùng trong các món lẩu, mang đến cảm giác nồng nàn hương thơm cùng hương vị độc đáo, chắc chắn sẽ chinh phục được những bạn có khẩu vị khó tính.
Món lẩu gà mắc khén với cách nấu đơn giản, hương vị hấp dẫn, giúp sưởi ấm vào những ngày giá lạnh. Thịt gà nấu mềm, thấm vị hơi the the cay cay, ăn với bún hoặc mì là cực bắt vị.
Xem thêm:
- Hạt bo bo là gì? Tác dụng, lưu ý và các bài thuốc từ hạt bo bo
- Hạt Couscous là gì? 4 món ăn thơm ngon, bổ dưỡng từ Couscous
- Hạt diêm mạch (Quinoa) là gì? 17 tác dụng của hạt diêm mạch
Như vậy, KHOEPLUS24H đã mang đến cho bạn thông tin về mắc khén là gì và các thông tin liên quan. Bạn thấy nội dung này có bổ ích hay không? Hãy để lại bình luận bên dưới để KHOEPLUS24H biết với nhé!