Đậu bắp là một loại quả non, thuôn dài, có nhiều hạt, thường được sử dụng trong các món xào hoặc nấu canh chua. Hãy cùng chuyên mục Sức khỏe dinh dưỡng của KHOEPLUS24H tìm hiểu rõ hơn về các tác dụng của đậu bắp đối với sức khỏe và cách chọn đậu bắp thật tươi ngon nhé!
Đậu bắp là gì?
Đậu bắp là phần quả non của loài cây có tên khoa học là Abelmoschus esculentus, hay còn gọi là bắp còi, mướp tây hoặc gôm.
Mỗi cây đậu bắp cao đến 2.5m, có lá rộng và dài từ 10 – 20cm, hoa có màu vàng nhạt hoặc trắng.
Mỗi quả đậu bắp có thể dài tới 20cm, có màu xanh lá nhạt, có các đường gồ lên dọc thân và cách đều nhau, bên trong chứa nhiều hạt màu trắng ngà.
Từ đậu bắp, bạn có thể chế biến thành nhiều món ngon như: đậu bắp xào, đậu bắp chiên hoặc kết hợp để nấu canh chua.
Thành phần dinh dưỡng của đậu bắp
Trong 100gr đậu bắp sống chứa các thành phần dinh dưỡng như sau:
- Calories: 33kcal
- Carbs: 7gr
- Protein: 2gr
- Chất béo: 0gr
- Chất xơ: 3gr
- Magie: 14% DV (giá trị dinh dưỡng hằng ngày)
- Folate: 15% DV
- Vitamin A: 14% DV
- Vitamin C: 26% DV
- Vitamin K: 26% DV
- Vitamin B6: 14% DV
Carbs: 1 chén đậu bắp (100gr) sẽ có khoảng 7gr carbs. Trong đó, khoảng một nửa hàm lượng carbs là chất xơ và còn lại là đường tự nhiên. Bên cạnh đó, đậu bắp còn được xem là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Chất béo: Trong đậu bắp có một lượng rất nhỏ chất béo, hầu hết chúng là chất béo không bão hòa và các axit béo lành mạnh.
Chất đạm: Giống như hầu hết các loại rau khác, đậu bắp không chứa nhiều protein.
Vitamin và các khoáng chất: Đậu bắp là một nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời và một nguồn cung cấp vitamin C, mangan, magie và vitamin B6.
Tác dụng của đậu bắp
Chứa chất chống oxy hóa có lợi
Đậu bắp giàu các chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Các chất chống oxy hóa chính trong đậu bắp là polyphenol, bao gồm flavonoid, isoquercetin, vitamin A và C.
Nghiên cứu cho thấy rằng, khi bạn có một chế độ ăn giàu polyphenol thì sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nguy cơ đông máu và tổn thương oxy hóa.
Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và não
Bên cạnh đó, polyphenol cũng có lợi cho não bộ vì có khả năng chống viêm, giúp não giảm các triệu chứng lão hóa và cải thiện trí nhớ.
Theo kết quả nghiên cứu kéo dài 4 năm trên 1.100 người cũng cho thấy, những người theo chế độ ăn giàu polyphenol sẽ có các dấu hiệu viêm liên quan đến bệnh tim thấp hơn.
Ngoài ra, đậu bắp chứa các chất có dạng gel đặc, được gọi là chất nhầy hoặc nhớt. Trong quá trình tiêu hóa, chất nhầy này có thể liên kết với cholesterol, để nó bị thải ra ngoài theo đường phân chứ không được hấp thụ ngược lại vào cơ thể.
Một nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên chuột cho thấy, những con chuột có ăn bột đậu bắp đã thải ra nhiều cholesterol trong phân hơn và có tổng mức cholesterol trong máu thấp hơn.
Có thể chứa đặc tính chống ung thư
Có một loại protein trong đậu bắp được gọi là lectin, có thể làm giảm tốc độ phát triển của các tế bào ung thư.
Trong một nghiên cứu ống nghiệm được tiến hành trên các tế bào ung thư vú chứng minh rằng, nhờ lectin trong đậu bắp, sự phát triển của tế bào ung thư có thể được ngăn chặn lên đến 63%.
Có thể làm giảm lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu cao có thể tăng tỉ lệ mắc bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2. Nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng, lượng đường trong máu có thể giảm nếu ăn đậu bắp hoặc sử dụng chiết xuất đậu bắp.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, đậu bắp làm giảm sự hấp thụ đường trong ruột, nhờ vậy mà ổn định các phản ứng đường huyết.
Tuy nhiên, đậu bắp có thể can thiệp vào một loại thuốc chữa bệnh tiểu đường phổ biến tên là metformin. Vì vậy, những ai đang dùng thuốc này không nên sử dụng đậu bắp.
Giúp giảm cholesterol
Những người bị bệnh tiểu đường nên dùng các thực phẩm có chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa vì chúng giúp giảm cholesterol.
Trong 1 thí nghiệm ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường, đậu bắp đã được chứng minh có khả năng làm giảm mức cholesterol của chúng.
Có lợi cho phụ nữ mang thai
Folate (vitamin B9) là một vi chất quan trọng đối với các mẹ đang mang thai. Nó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thắt ống thần kinh của thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.
Báo cáo tổng hợp từ 12.000 phụ nữ trưởng thành cho thấy, lượng folate trung bình mỗi ngày được tiêu thụ chỉ khoảng 245mcg/mỗi ngày. Trong khi liều lượng khuyến nghị là 400mcg folate.
Một nghiên cứu trong 5 năm tiến hành trên 6.000 phụ nữ không mang thai có kết quả: 23% người tham gia không đạt chuẩn về nồng độ folate trong máu.
Vì vậy, hãy ăn đậu bắp để bổ sung thêm lượng folate cho cơ thể nhé vì cứ 100gr đậu bắp, bạn sẽ được cung cấp 15% nhu cầu folate hàng ngày.
Hỗ trợ sức khỏe xương và máu
Đậu bắp là một nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời, cứ nửa chén đậu bắp nấu chín cung cấp 36% lượng vitamin K cần thiết hàng ngày cho phụ nữ và 27% cho nam giới. Do giàu vitamin K, đậu bắp có thể giúp đông máu và chuyển hóa xương.
Hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa
Đậu bắp nhiều chất xơ, nên có thể ngăn ngừa táo bón và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đồng thời cũng làm giảm cảm giác thèm ăn từ đó giúp bạn giảm cân.
Ở châu Á, trong lĩnh vực y học, người ta bổ sung chiết xuất đậu bắp vào thực phẩm để ngăn các bệnh kích ứng, viêm nhiễm dạ dày và giúp chống viêm, kháng khuẩn cho đường tiêu hóa.
Dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn uống
Đậu bắp có thể tìm mua tại các chợ địa phương và siêu thị, lại còn dễ dàng chế biến thành nhiều món ngon với nhiều phương pháp chế biến khác nhau. Vì vậy, đừng chần chờ mà bổ sung ngay đậu bắp vào bữa cơm gia đình mình nhé!
Có thể giúp giảm căng thẳng
Chiết xuất từ hạt của đậu bắp được chứng minh rằng có tác dụng chống oxy hóa, chống căng thẳng trong máu.
Một tinh thần khoẻ khoắn, lành mạnh rất cần thiết để điều trị bệnh tiểu đường. Nếu trong thời gian dài, bạn có mức độ căng thẳng cao có thể làm cho lượng đường trong máu tăng đột biến. Vì vậy, bạn nên bổ sung đậu bắp trong khẩu phần ăn hằng ngày để có thể giúp giảm căng thẳng nhé!
Có thể giúp phục hồi sức khỏe sau khi tập thể dục
Một nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian phục hồi sau khi tập luyện và mức độ mệt mỏi có thể được cải thiện bằng cách sử dụng đậu bắp.
Bằng cách bổ sung đậu bắp vào chế độ ăn uống cùng với thói quen tập thể dục lành mạnh, bạn có thể tập luyện lâu hơn và phục hồi nhanh hơn sau khi tập thể dục.
Một số tác dụng có lợi khác
Trong y học, chất nhầy của đậu bắp còn có thể dùng là một chất thay thế huyết tương hoặc một chất làm tăng thể tích máu, kết dính viên nén, tạo huyền phù, ổn định albumin huyết thanh,…
Lưu ý khi ăn đậu bắp
Mặc dù rất hiếm người bị dị ứng với đậu bắp, nhưng có báo cáo đã ghi nhận 1 số trường hợp ở châu Phi. Các triệu chứng của dị ứng là bị ngứa hoặc sưng tấy quanh miệng. Nếu bạn gặp phản ứng sau khi ăn đậu bắp, hãy liên hệ bác sĩ để chẩn đoán và điều trị nhé.
Ngoài ra, trong đậu bắp cũng rất giàu vitamin K, nó được cho là có thể tương tác với thuốc làm loãng máu Coumadin (warfarin). Nếu bạn đang sử dụng thuốc Coumadin, thì nên bổ sung một lượng vitamin K phù hợp, cũng như hỏi ý kiến của bác sĩ.
Hơn nữa, trong đậu bắp cũng có hợp chất oxalate, nó có thể góp phần hình thành sỏi thận. Những người mắc một số bệnh về thận, nên hạn chế ăn đậu bắp nhé.
Cách chọn đậu bắp ngon
Những trái đậu bắp tươi là trái có màu xanh nhạt, bóng đẹp, bề mặt có 1 lớp lông mao mỏng. Bạn cần chọn trái có kích thước nhỏ hoặc vừa, vì trái dài thì già, ăn vào sẽ có xơ không ngon.
Bạn cũng có thể dùng tay bẻ phần đầu của đậu bắp. Trái đậu bắp non và giòn là khi bẻ được dễ dàng và gãy ngay. Còn nếu không bẻ được hoặc khó đứt thì đó là đậu bắp già, không nên chọn.
Không nên chọn các quả đậu bắp có vết thâm, bầm dập hoặc dính bụi bẩn, tạp chất dơ bạn nhé!
Xem thêm:
- Đậu cranberry (cranberry – borlotti beans) là gì? 7 tác dụng của đậu này
- Đau dạ dày nên ăn gì? 20 thực phẩm tốt cho dạ dày và các thức ăn cần tránh
- Pectin là gì? Khác gì so với Gelatin? Cách sử dụng và những lưu ý cần biết
KHOEPLUS24H đã chia sẻ xong các tác dụng của đậu bắp đối với sức khỏe và cách chọn mua đậu bắp ngon rồi đấy! Hy vọng bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!