Cà rốt là một thực phẩm quen thuộc, dễ chế biến thành các món ăn thơm ngon và chứa giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ. Bài viết hôm nay KHOEPLUS24H sẽ cung cấp thông tin về 12 tác dụng của cà rốt với sức khỏe đến bạn nhé!
Nguồn gốc và đặc điểm của cà rốt
Nguồn gốc
Cà rốt (tên khoa học: Daucus carota subsp. sativus) hay còn gọi củ cải đỏ, là một loại rau củ có nguồn gốc từ Afghanistan. Sau đó, chúng được trồng phổ biến trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nước có khí hậu lạnh.
Đặc điểm
Củ rốt được chia thành 2 phần chính: phần thân và phần lá. Lá của nó có hình xoắn kép lông chim, mọc ngay trên thân.
Củ cà rốt có thân hình trụ, gốc nhọn, vỏ mỏng với nhiều màu sắc khác nhau như: màu tím, màu cam, màu vàng, màu đỏ,… Trên vỏ xuất hiện nhiều đường ngấn phân bố không đều. Đây cũng chính là phần ăn được, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ.
Thành phần dinh dưỡng của cà rốt
Trong 100gr củ cà rốt chưa nấu chín có chứa 41 calo và các thành phần dinh dưỡng như sau:
- Chất đạm: 0.9gr
- Carbs: 9.6gr
- Chất xơ: 2.8gr
- Chất béo: 0.2gr
- Vitamin A: 835μg
- Canxi: 33mg
- Sắt: 0.3mg
- Natri: 69mg
- Kali: 320mg
Carbs
Hàm lượng carbs có trong cà rốt chủ yếu đến từ đường và tinh bột. Trong đó, đường bao gồm sucrose và glucose. 100gr cà rốt chỉ cung cấp khoảng 9.6gr carbs. Điều đó cho thấy cà rốt là một loại rau củ có chỉ số đường huyết thấp (dao động từ 16 – 60).
Chất xơ
Chất xơ có trong cà rốt bao gồm cả chất xơ hoà tan và không hoà tan. Cả 2 loại này đều đem lại những tác dụng tuyệt vời cho sức khoẻ như: kiểm soát đường huyết, giảm cholesterol, ngăn ngừa táo bón,…
Vitamin và khoáng chất
Ngoài những chất dinh dưỡng kể trên, cà rốt còn cung cấp các loại vitamin khác như: Vitamin A, Biotin, K1, D, B6,…
Các hợp chất thực vật khác
Trong cà rốt có chứa nhiều hợp chất thực vật như: Beta- carotene, Lycopene, Polyacetylenes và Anthocyanins có đặc tính chống oxy hoá mạnh mẽ, giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật.
Tác dụng của cà rốt
Giúp giảm nguy cơ ung thư
Cà rốt có chứa 1 lượng lớn Lutein và Zeaxanthin. Đây là 2 hợp chất carotenoid có đặc tính chống oxy hoá, giúp ngăn chặn các tác hại của gốc tự do, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư cho cơ thể.
Nghiên cứu ở những người thường xuyên hút thuốc vào năm 2011 cho thấy: uống nước ép cà rốt giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh ung thư phổi trong cơ thể họ.
Ngoài ra, 1 cuộc nghiên cứu khác thực hiện vào năm 2011 cũng chứng minh rằng: chiết xuất của cà rốt có khả năng loại bỏ các tế bào gây ra bệnh bạch cầu nguy hiểm.
Giảm cholesterol trong máu
Trong cà rốt có chứa carotenoid, polyphenol và vitamin C, giúp làm giảm cholesterol trong máu.
Một cuộc nghiên cứu thực hiện trên cơ thể động vật cho thấy: ăn cà rốt có liên quan đến việc hạn chế hấp thụ cholesterol và thay đổi quá trình bài tiết axit mật. Điều này có lợi cho sức khoẻ tim mạch.
Hỗ trợ quá trình giảm cân
Cà rốt chứa ít calo, carbs và giàu chất xơ. Vì thế, nó rất thích hợp để bổ sung vào thực đơn ăn uống dành cho những người đang trong quá trình kiểm soát cân nặng.
Tiêu thụ hàm lượng chất xơ dồi dào có trong loại thực vật này khiến bạn có cảm giác no lâu hơn. Từ đó, kiểm soát được cơn thèm ăn và giảm cân hiệu quả.
Cải thiện sức khỏe của mắt
Thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến bệnh viêm giác mạc gây khô mắt và làm suy giảm thị lực.
Củ cà rốt là một nguồn cung cấp vitamin A, giúp bảo vệ và duy trì giác mạc, kết mạc. Đồng thời, tạo ra những sắc tố trong võng mạc, giúp bạn nhìn trong bóng tối tốt hơn.
Ngoài ra, cà rốt cũng chứa lutein và zeaxanthin, có tác dụng ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hiệu quả.
Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Cà rốt chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ có nguồn gốc thực vật, giúp ngăn ngừa các tế bào gây hại của gốc tự do. Từ đó, làm chậm quá trình lão hoá và ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm như: bệnh tim, ung thư, bệnh tiểu đường,…
Hỗ trợ tiêu hóa
Carotenoid và chất xơ là 2 thành phần quan trọng có trong cà rốt. Điều này rất tốt cho đường tiêu hoá của chúng ta.
Chất xơ giúp thúc đẩy quá trình nhu động ruột, tạo điều kiện cho lợi khuẩn phát triển. Từ đó, giúp hệ tiêu hoá khoẻ mạnh hơn và ngăn ngừa các căn bệnh về đường ruột hiệu quả.
Một cuộc nghiên cứu thực hiện vào năm 2015 cho thấy: chế độ ăn giàu chất xơ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, carotenoid có trong củ cà rốt cũng được nghiên cứu là có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư ruột kết rất tốt.
Tốt cho người bị bệnh tiểu đường
Cà rốt chứa ít calo, đường và nhiều chất xơ. Vì thế, nó có chỉ số đường huyết thấp (khoảng 39) nên rất thích hợp để bổ sung vào thực đơn ăn uống dành cho bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, hàm lượng chất xơ dồi dào có trong loại thực vật này còn làm chậm quá trình hấp thụ glucose, khiến lượng đường trong máu không tăng đột ngột. Từ đó, giúp kiểm soát đường huyết cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Kiểm soát huyết áp và sức khỏe tim mạch
Củ cà rốt rất giàu chất xơ và kali. Đây 2 là thành phần dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và cải thiện sức khoẻ tim mạch. Cụ thể:
Kali giúp làm giảm huyết áp bằng cách cân bằng hàm lượng natri và thư giãn mạch máu. Từ đó, ngăn ngừa huyết áp cao – một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim.
Chất xơ giúp làm giảm lượng cholesterol xấu LDL và tăng lượng cholesterol tốt HDL trong cơ thể. Từ đó, ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch, mỡ trong máu, bệnh tim mạch vành,…
Tăng khả năng miễn dịch
Bên cạnh vitamin A, củ cà rốt cũng là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào cho cơ thể chúng ta.
Vitamin C hoạt động giống như một chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây ra các loại bệnh truyền nhiễm như: cảm, ho, sốt,…
Hỗ trợ sức khỏe xương
Trong cà rốt có chứa một lượng đáng kể vitamin K, phốt pho và canxi. Đây là những hợp chất thiết yếu giúp bảo vệ và duy trì sức khoẻ của xương. Đồng thời ngăn ngừa các căn bệnh về xương khớp hiệu quả.
Cải thiện sức khỏe răng miệng
Một cuộc nghiên cứu thực hiện trên cơ thể của những người già bị suy giảm nhận thức ở Nhật Bản cho thấy: Chế độ ăn giàu beta-carotene đến từ cà rốt và các loại rau củ khác giúp làm giảm tỷ lệ rụng răng và ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng.
Ngăn chặn và giảm sự suy giảm nhận thức
Beta-carotene có trong cà rốt không những giúp cải thiện sức khoẻ răng miệng mà còn giúp củng cố hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, tăng cường khả năng tập trung và ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức.
Lưu ý khi ăn cà rốt
Dị ứng
Nếu bạn có tiền sử dị ứng với phấn hoa, rất có thể bạn cũng sẽ dị ứng với các protein có trong cà rốt. Tình trạng này có thể khiến miệng của bạn bị ngứa hoặc ê buốt trong suốt nhiều giờ liền.
Ngoài ra, những người dị ứng với các hợp chất có trong cà rốt cũng không nên tiêu thụ thực phẩm này. Bởi sẽ dẫn đến tình trạng nổi mề đay, da sưng tấy, khó thở và nguy hiểm hơn là sốc phản vệ.
Tác dụng phụ
Mặc dù cà rốt rất tốt cho sức khoẻ nhưng chúng ta không nên tiêu thụ quá nhiều. Bởi beta-caroten có trong thực phẩm này khi không được cơ thể chuyển hoá hết sẽ chuyển thành carotenemia – một hợp chất gây ra tình trạng vàng da, mệt mỏi, ăn không tiêu,…
Cách chọn mua và bảo quản cà rốt
Cách chọn mua cà rốt tươi ngon
Để mua được cà rốt tươi ngon, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
Chọn những củ có kích thước vừa, hình dáng thẳng, bên ngoài trơn láng, màu sắc sáng, lõi nhỏ, khi cầm cảm thấy chắc tay. Đó là cà rốt ngon, có vị ngọt nhiều.
Không chọn những củ có kích thước lớn, lõi to, hình dáng méo mó, vỏ bị nứt và xuất hiện dấu vết bầm dập. Đó có thể là cà rốt đã để lâu ngày, vị nhạt và ít dưỡng chất.
Cách bảo quản cà rốt được lâu
Để bảo quản cà rốt được lâu, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
Cà rốt mua về bạn không nên để trong bao nilon mà nên cho vào rổ rồi đặt ở những khô ráo, thoáng mát. Cách làm này có thể giúp bảo quản cà rốt trong khoảng 1 – 2 tuần.
Ngoài ra, bạn có thể bọc cà rốt bằng màng xốp hơi hoặc cho vào túi, hộp đựng thực phẩm rồi đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nhiệt độ trong ngăn mát là điều kiện lý tưởng để giữ được độ tươi ngon của cà rốt trong khoảng 2 – 3 tuần.
Nếu đã rửa cà rốt với nước thì bạn nên đem chế biến ngay. Không nên bảo quản trong tủ lạnh vì sẽ bị thối rữa.
XEM THÊM CÁC NỘI DUNG CÙNG CHỦ ĐỀ TRÁI CÂY:
- Tổng hợp các loại trái cây tăng sức đề kháng, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch
- Tổng hợp 15 loại trái cây tốt cho da mặt dễ dàng bổ sung nhất
- Tổng hợp những loại trái cây (hoa quả) tốt cho bà bầu
Bài viết cung cấp xong thông tin về tác dụng của cà rốt. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều hiểu biết về loại rau củ này nhé! Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!