Các loại bột ăn dặm là thực phẩm thông dụng giúp trẻ bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn tập ăn. Tuy nhiên, có rất nhiều mẹ đang thắc mắc bé ăn dặm bột ngọt bao lâu thì chuyển sang bột mặn? Hãy cùng KHOEPLUS24H tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây nhé.
Bột ngọt và bột mặn cho bé ăn dặm là gì?
Bột ngọt
Bột ăn dặm ngọt là loại bột chứa thành phần chính là gạo, yến mạch và sữa. Sản phẩm này thường phù hợp với các bé nhỏ trong giai đoạn mới bắt đầu tập ăn dặm, hệ tiêu hóa còn yếu. Ngoài sữa và gạo, một số loại bột còn bổ sung thêm các loại rau củ quả khác như: cà rốt, bí đỏ, bông cải xanh, chuối,…
Bột mặn
Khác với bột ngọt, bột mặn sẽ có các thành phần từ đạm như thịt cá, trứng, hải sản,… Các sản phẩm này được chế biến với nhiều mùi vị hấp dẫn khác nhau.
Đối với các loại bột này, mẹ chỉ nên cho bé sử dụng khi bé đã bắt đầu ăn dặm được một thời gian hoặc hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh.
Bé mấy tháng ăn dặm bột ngọt được?
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng các bậc phụ huynh nên tập cho trẻ ăn dặm kết hợp với bú sữa ngay từ giai đoạn 6 tháng tuổi. Đây là thời điểm trẻ cần thêm nhiều năng lượng để có thể phát triển toàn diện.
Ngoài ra, ở giai đoạn này bé đã có khả năng nhai, điều chỉnh cơ lưỡi và dịch chuyển hàm lên xuống, hệ tiêu hóa cũng đã phát triển cơ bản đủ để tiêu hóa một số loại thức ăn.
Tuy nhiên, nếu các bé 5 tháng tuổi được bú đúng cách nhưng vẫn không tăng cân, còi cọc hoặc các mẹ bị thiếu sữa, sữa ít thì vẫn nên cân nhắc cho con ăn dặm sớm ở lứa tuổi này.
Lúc mới sử dụng nên pha bột ở dạng lỏng sang sệt, sau đó chuyển dần sang đặc sệt, tăng dần từ lượng ít đến lượng nhiều để bé tập làm quen.
Cho bé làm quen với bột ngọt ăn dặm như thế nào?
Với những trẻ mới bắt ăn dặm, ba mẹ nên tập cho bé ăn bột ngọt rồi sau đó chuyển dần sang bột mặn tùy vào sở thích của từng trẻ. Lý do là vì bột ngọt có vị rất gần với mùi vị sữa mẹ, trẻ dễ làm quen hơn khi bắt đầu ăn dặm.
Có thể sử dụng 1 muỗng bột ăn dặm ngọt pha loãng với nước, cho ăn 1 lần/ngày và theo dõi khả năng hấp thu của trẻ. Nếu trẻ không bị táo bón hay khó tiêu thì có thể tăng độ đặc của bột lên 1 chút, tăng dần khẩu phần ăn lên 2 cữ/ngày hoặc cho ăn theo nhu cầu của bé.
Giai đoạn dùng bột ngọt, nếu bé bú sữa kém thì các mẹ có thể pha thêm sữa vào bột cho bé, không cần thêm rau hay gia vị vào bột vì đây chỉ là mới là giai đoạn để bé tập quen với thức ăn rắn.
Nên cho bé ăn dặm bột ngọt trong bao lâu thì chuyển sang bột mặn?
Giai đoạn mới tập ăn dặm, các mẹ hãy cho trẻ dùng các loại bột ngọt như bột ngũ cốc, yến mạch, bột gạo hay các loại rau củ trong vòng 2 – 4 tuần đầu. Nếu trẻ tiêu hóa và hấp thụ tốt, không gặp các vấn đề dị ứng, khó tiêu thì mẹ có thể chuyển dần sang các loại bột mặn.
Trong giai đoạn bột mặn, trẻ phát triển rất nhanh, dễ làm quen với khẩu vị mới, mẹ cũng nên bổ sung thêm các chất từ các loại thịt, tôm, cua,… cũng như vitamin và khoáng chất từ trái cây hay rau củ.
Lưu ý khi cho bé ăn dặm
Nên hạn chế nêm thêm gia vị như mì chính (bột ngọt) và muối vào phần bột của trẻ, nên để cho trẻ làm quen với hương vị nguyên bản của sản phẩm vì ăn quá mặn không tốt cho thận của trẻ.
Trường hợp bé ăn quá ít hay chưa đủ no thì mẹ nên cho bé bú sữa dặm thêm. Tuy nhiên, các mẹ nên đợi khoảng vài tiếng mới cho bé bú sữa hạn chế cho bé bú ngay vì có thể làm cho bé dễ ói, khó tiêu hoặc khiến bé tăng cân nhanh, gây thừa cân, béo phì.
Trong giai đoạn ăn dặm của trẻ, ba mẹ nên áp dụng nguyên tắc “ba mẹ lựa chọn thức ăn, trẻ lựa chọn lượng ăn“. Cần kiên trì, khuyến khích, động viên trẻ, không nên ép trẻ ăn quá nhiều, không nên tự quyết định khẩu phần ăn của trẻ mà nên dựa trên nhu cầu của bé.
XEM THÊM:
- Ăn gì để lợi sữa? 25 thực phẩm lợi sữa tốt cho mẹ bầu, giúp tăng tiết sữa
- Tổng hợp những loại trái cây (hoa quả) tốt cho bà bầu
- Tổng hợp 13 loại thực phẩm tốt cho bà bầu dễ bổ sung vào chế độ ăn uống
Bài viết trên đây vừa giải đáp thắc mắc cho câu hỏi bé ăn dặm bột ngọt bao lâu thì chuyển sang bột mặn? Hy vọng ba mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích và chăm sóc bé khỏe mạnh hơn.