Rau sống chứa nhiều vitamin, khoáng chất và hàm lượng chất xơ đáng kể, giúp phòng ngừa được nhiều bệnh lý cho cơ thể. Vậy việc ăn rau sống nhiều có tốt hay không? Hãy cùng chuyên mục Sức khỏe dinh dưỡng của KHOEPLUS24H tìm hiểu rõ hơn về việc này cùng với những lợi ích khi bạn ăn rau sống nhé!
Rau sống có tác dụng gì?
Rau sống là loại rau được ăn kèm phổ biến với các món nước và một số món kho, vì giúp cho món ăn tăng thêm phần thanh đạm và bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Cụ thể, rau sống có một số tác dụng như sau:
Cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất
Rau sống là tên gọi của nhiều loại rau được sử dụng, như xà lách, húng quế, tía tô, rau diếp cá, rau muống,… tạo cảm giác ngon miệng hơn khi bạn dùng bữa. Điều này có nghĩa rằng: hàm lượng khoáng chất và vitamin trong rau sống cũng rất đa dạng.
Đặc biệt nhất là hàm lượng vitamin A và vitamin C sẽ còn giữ trong rau sống, đa phần chúng sẽ bị mất đi nếu như bạn nấu chín hoặc ngâm quá lâu trong nước.
Ví dụ, cứ 100gr rau diếp cá cung cấp đến 247% nhu cầu vitamin A cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, đồng thời hàm lượng vitamin C trong loại rau này còn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống được nhiều bệnh tật.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Nhờ chứa chất chống oxy hóa và nhiều hợp chất thực vật có đặc tính oxy hóa mạnh mẽ như flavonoid, rau sống có tác dụng hỗ trợ tốt sức khỏe tim mạch.
Thực tế cho hay, những người ăn nhiều rau sống thường giảm tỷ lệ cao huyết áp thấp hơn 75% so với những người ăn ít. Đồng thời, thói quen này còn giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu, nhờ đó giảm bớt nguy cơ xảy ra đột quỵ.
Tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa
Với hàm lượng chất xơ đáng kể, rau sống là một trong nhóm thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa, như chất xơ hòa tan sẽ trở thành thức ăn cho các vi khuẩn đường ruột có lợi, nhờ đó giảm thiểu tình trạng loét dạ dày, viêm đại tràng và các dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích.
Bên cạnh đó, chất xơ không hòa tan của rau sống còn hỗ trợ tốt cho việc di chuyển thực phẩm trong ruột được diễn ra nhanh hơn.
Hơn nữa, theo một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung rau sống trong chế độ ăn uống sẽ cung cấp nhiều chất xơ, có lợi trong việc làm tăng độ nhạy của insulin và giảm bớt nồng độ đường huyết đáng kể.
Hỗ trợ duy trì cân nặng
Có một điều đáng tiếc, nhiều người không có thói quen bổ sung rau sống trong chế độ ăn kiêng. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng: hàm lượng chất xơ đáng kể trong rau sống cùng với nhiều loại vitamin và khoáng chất đều có lợi cho sức khỏe ở những người giảm cân.
Đặc biệt là giúp cho cơ thể luôn cảm thấy no lâu và tránh nạp thêm nhiều calo từ các loại thực phẩm khác.
Tiết kiệm thời gian chế biến
Nhìn chung, thời gian sơ chế và chế biến rau sống không tốn quá nhiều thời gian. Đầu tiên, bạn chỉ cần nhặt phần rau ăn được, rồi ngâm và rửa trong nước muối pha loãng. Sau đó, vớt để ráo trước khi dùng hoặc nấu chín như món xào chẳng hạn.
Ăn rau sống nhiều có tốt không?
Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, việc ăn nhiều rau sống cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà bạn không ngờ đến như:
Có thể mắc phải một số bệnh
Như lời chia sẻ của bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Văn Đề (Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng của Đại học Y Hà Nội) trên kênh Sức khỏe Gia đình, cho hay: Kết quả của một nghiên cứu cho thấy một trong tám mẫu rau sống mà bạn thường sử dụng có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng khoảng 92.3 – 100%. Dù bạn rửa sạch rau đến 3 lần, kể cả dùng nước chuyên dụng, thì tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn có thể ở mức 51.9 – 82.6%.
Vì thế, thói quen ăn rau sống có thể gây ra các bệnh đường ruột như tiêu chảy, viêm ruột thừa, gây tắc ruột và nhiều loại bệnh khác do giun và ký sinh trùng gây ra.
Dễ nhiễm giun sán và ký sinh trùng
Tiêu thụ quá nhiều rau sống và nhất là chọn rau không rõ nguồn gốc và sơ chế không kĩ, sẽ làm cho cơ thể tích trữ nhiều giun sán và ký sinh trùng. Điều này có thể gây ra bệnh động kinh, rối loạn trí nhớ hay liệt tay chân nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, rau sống cũng chứa một số hợp chất gây hại từ thuốc bảo vệ thực vật, gây ra ngộ độc thực phẩm cho người ăn.
Cách ăn rau sống an toàn
Để giảm thiểu tình trạng nhiễm giun và ký sinh trùng từ việc ăn rau sống, bạn nên chú ý đến một số vấn đề quan trọng như:
Sơ chế kỹ rau sống
Tuy rau sống không tốn nhiều thời gian để chế biến trước khi ăn, nhưng không phải vì thế mà bạn lơ là việc sơ chế các loại rau sống. Hãy nhặt những phần rau ăn được, loại bỏ phần bị dập nát và bị sâu ăn.
Sau đó, rửa trực tiếp từng lá (nếu có thể) dưới vòi nước để loại bỏ đáng kể lượng trứng giun sán hoặc chất bẩn. Tiếp đó, ngâm trong nước muối pha loãng (tránh ngâm quá lâu dễ bị mất vitamin) khoảng 10 phút là được và rửa lại nhiều lần với nước sạch.
Ngoài cách chọn ngâm nước muối, bạn có thể sử dụng dung dịch rửa rau để loại bỏ các hợp chất gây hại từ rau sống.
Vẩy rau thật khô nước
Trước khi dùng, bạn nên vẩy hoặc để rau thật khô nước. Vì ăn rau sống còn dính nước rất dễ gây đau bụng, nhất là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai.
Chần qua nước sôi
Nhiều người có thói quen ăn rau sống ở dạng tươi vì giữ được độ giòn. Tuy nhiên, sau khi làm sạch thì bạn vẫn nên chần sơ rau sống qua nước sôi. Cách làm này sẽ giảm bớt lượng vi khuẩn và ký sinh trùng cũng như tiêu diệt một số mầm móng gây bệnh khi bạn ăn phải rau sống.
XEM THÊM CÁC NỘI DUNG CÙNG CHỦ ĐỀ RAU CỦ:
- Romanesco broccoli – Súp lơ san hô có tác dụng gì? Chọn mua và cách nấu
- Hạt hickory là gì? Tác dụng của hạt hickory và cách sử dụng
- Nấm keo là gì? Nấm keo có tác dụng gì? Cách phân biệt nấm keo và nấm tràm
Như vậy, KHOEPLUS24H đã giúp bạn hiểu rõ hơn về việc ăn rau sống nhiều có tốt không? Những lợi ích khi ăn rau sống ra sao rồi đấy. Hy vọng bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về cách dùng thực phẩm hơn nhé!