DHA là một loại axit béo omega 3 có lợi cho sự phát triển não bộ ở trẻ và sức khỏe tổng thể của mẹ bầu. Vậy hãy khám phá những thông tin thú vị liên quan đến DHA là gì và những tác dụng của DHA với trẻ và bà bầu cụ thể ra sao trong chuyên mục Cẩm nang sức khỏe nhé!
DHA là gì?
DHA là một loại axit béo omega 3 không no, chiếm khoảng 60% tỷ lệ thành phần chất dinh dưỡng trong võng mạc và phần lớn trong chất xám của não bộ. Vì thế, loại axit béo này là một trong dưỡng chất quan trọng trong quá trình phát triển thị giác và tăng cường sự phát triển trí tuệ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong khi, đối với người trưởng thành thì DHA giữ vai trò giúp phòng ngừa bệnh thoái hóa thần kinh, trầm cảm, tim mạch và tiểu đường.
Tác dụng của DHA
Với thể trạng và độ tuổi khác nhau, DHA mang lại những tác dụng nổi bật như sau:
Lợi ích DHA với thai nhi
Việc sử dụng DHA vào mỗi thời kỳ mang thai ở người phụ nữ mang lại những tác dụng tích cực đối với sự phát triển của thai nhi. Chẳng hạn:
Theo kết quả được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, khi cho 350 phụ nữ mang thai uống 600mg DHA hoặc giả dược mỗi ngày, trong suốt nửa cuối của thời kỳ mang thai, kết quả cho thấy:
Trẻ được sinh ra từ những người mẹ được bổ sung DHA có trọng lượng, chiều dài và vòng đầu lớn hơn so với những đứa trẻ sinh từ người mẹ dùng giả dược.
Không những thế, một nghiên cứu khác cũng được công bố trên tạp chí này còn chứng minh thêm: mẹ bầu có bổ sung DHA sẽ giúp cho trẻ sơ sinh có thị lực tốt và giảm nguy cơ sinh non.
Trong khi nghiên cứu được đăng vào năm 2019 trên tạp chí Critical Reviews in Food Science and Nutrition, chỉ ra thêm:
Hàm lượng DHA cao sẽ giúp ích cho sự phát triển thần kinh ở trẻ em, trái lại hàm lượng DHA thấp sẽ làm tăng tỷ lệ rối loạn phổ tự kỷ và khả năng tập trung cao hơn.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai được khuyên nên bổ sung từ 200 – 300mg DHA mỗi ngày để giúp cho não bộ thai nhi phát triển khỏe mạnh bình thường.
Lợi ích DHA với trẻ em
Ở mỗi độ tuổi trẻ nhỏ thì DHA cũng góp phần mang lại sức khỏe tích cực cho trẻ như:
Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng, DHA rất quan trọng cho sự phát triển của hệ thần kinh. Vì thế, có thể bổ sung DHA cho trẻ ở độ tuổi này qua nguồn sữa bên ngoài hoặc sữa mẹ.
Đối với trẻ đang trong giai đoạn đọc viết, thì hàm lượng DHA cần được bổ sung nhiều hơn để làm tăng sự phát triển nhận thức và hiệu suất trí nhớ cùng với những chức năng phản xạ khác của trí não.
Trong khi đối với trẻ nhỏ nói chung, như trên tạp chí European Child and Adolescent Psychiatry có công bố kết quả từ một nghiên cứu cho thấy: việc bổ sung DHA trong suốt 6 tháng đã tác động tích cực đến khả năng nhận thức và hành vi ở trẻ.
Đồng thời, axit béo này cũng góp phần cải thiện những vấn đề liên quan đến cảm xúc, tâm lý xã hội và sự tập trung.
Lợi ích DHA với bà bầu, phụ nữ
Không chỉ có tác dụng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, DHA còn mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe bà bầu như:
- Hỗ trợ sức khỏe não bộ và giảm thiểu chứng suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác, khi phụ nữ được bổ sung khoảng 900mg (gồm cả DHA và EPA).
- Cải thiện triệu chứng trầm cảm, đây là kết quả được đánh giá từ 14 cuộc nghiên cứu khác nhau.
- Giảm thiểu tỷ lệ tử vong do bệnh tim gây ra cũng như cải thiện rối loạn nhịp tim.
Các tác dụng nổi bật khác
DHA có tác dụng đặc biệt đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, ngoài ra còn có những tác dụng nổi bật khác đối với sức khỏe cho tất cả chúng ta như sau:
Giảm tỷ lệ mắc bệnh tim
Phần lớn những lợi ích mà DHA mang lại cho sức khỏe, đều được nghiên cứu khi kết hợp chung với EPA, đây là hai loại axit béo luôn đi kèm với nhau để hỗ trợ tốt cho sức khỏe tim mạch, như giảm nồng độ triglyceride và cải thiện nồng độ cholesterol nói chung.
Chống lại chứng viêm
Báo cáo cho thấy, DHA có tác dụng giảm viêm và giúp cân bằng nồng độ omega 6 tránh gây viêm trong cơ thể, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh mãn tính do tuổi tác, gồm cả bệnh nướu răng và bệnh tim. Ngoài ra, DHA còn cải thiện tình trạng tự miễn dịch như bệnh viêm khớp dạng thấp.
Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư
Viêm mãn tính là một trong những yếu tố dẫn đến bệnh ung thư. Thực tế cho thấy: chế độ tiêu thụ nhiều dầu cá chứa omega 3 gồm cả DHA có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Thậm chí, nhiều nghiên cứu sơ bộ còn chỉ ra thêm: DHA còn giúp cải thiện một số lợi ích khi sử dụng phương pháp hóa trị liệu ung thư, đồng thời có thể cải thiện hiệu quả của thuốc chống tế bào ung thư và ung thư.
Cân bằng cảm xúc
Cả DHA và EPA đều liên quan đến việc làm giảm bệnh trầm cảm, nhờ hỗ trợ trong việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin – giúp cân bằng tâm trạng. Ví dụ, trong một nghiên cứu diễn ra trên 22.000 người trưởng thành ở Na Uy cho thấy:
Những người dùng dầu gan cá tuyết mỗi ngày (tiêu thụ từ 300 – 600mg DHA và EPA) có thể giảm đến 30% nguy cơ mắc các triệu chứng của bệnh trầm cảm nhiều hơn so với những người không dùng.
Hơn nữa, nhờ đặc tính chống viêm vốn có của nhóm omega 3, DHA có khả năng chống viêm ở các tế bào thần kinh, từ đó góp phần giảm nguy cơ bị trầm cảm.
Ngoài những tác dụng nổi bật như trên, DHA còn có khả năng làm giảm chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), khắc phục tình trạng sinh non ở một số phụ nữ,.
Nó còn giúp phục hồi cơ bắp sau khi vận động, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh liên quan đến mắt, phòng ngừa bệnh Alzheimer, giảm huyết áp, hỗ trợ tuần hoàn máu và cải thiện sức khỏe sinh sản nam giới.
DHA có trong thực phẩm nào?
DHA là một loại axit béo thuộc nhóm omega 3 nên bạn có thể bổ sung các thực phẩm giàu axit béo này qua chế độ ăn uống như dùng: gan – mỡ cá (của các loại cá ngừ, cá mòi, cá hồi, cá thu, cá bơn), sữa, trứng, các loại hạt có dầu và dầu cá.
Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên bổ sung nhiều thực phẩm đa dạng để vừa đáp ứng đủ lượng DHA cần thiết cho cơ thể, DHA vừa giúp bé làm quen với các loại thực phẩm như cá biển và các loại rau lá xanh.
Lưu ý: Trung bình cơ thể người trưởng thành, gồm cả phụ nữ mang thai nên tiêu thụ 250 – 500mg DHA và EPA mỗi ngày, để có được sức khỏe tốt. Ngoài ra, tùy theo tình trạng sức khỏe, hàm lượng bổ sung DHA sẽ khác nhau theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm:
- Cá chép bao nhiêu calo? Ăn cá chép có tác dụng gì, ăn cá chép có béo không?
- DHA có trong thực phẩm nào? 10 thực phẩm giàu DHA an toàn, tự nhiên
- Phân biệt sự khác nhau giữa dầu cá, omega 3, EPA và DHA
Như vậy, bạn đã hiểu thêm về DHA là gì cùng tác dụng của DHA với trẻ và bà bầu ra sao rồi nhé. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn chọn dùng thực phẩm mỗi ngày.