Cải xoong thường được dùng cho nhiều các món gỏi trộn, món xào và kể cả món lẩu. Vậy hãy cùng chuyên mục Mẹo vào bếp của Khoeplus24h tìm hiểu nhiều hơn về 8 tác dụng của cải xoong, lưu ý sử dụng và các món ăn ngon từ cải xoong ra sao nhé!
Nguồn gốc và đặc điểm của cải xoong
Nguồn gốc cải xoong
Cải xoong là loại thực vật có thể sống được dưới nước hoặc trên cạn, có tên khoa học là Nasturtium officinale hay Nasturtium microphyllum, thuộc họ Cải (Brassicaceae) cùng họ hàng với mù tạc và rau tần.
Cải xoong có nguồn gốc từ các nước thuộc khu vực châu Âu và Trung Á, có tốc độ phát triển nhanh và sống lâu năm.
Đặc điểm cải xoong
Thân của cây cải xoong thường nổi trên mặt nước và lá có hình lông chim. Hoa nhỏ, mọc thành cụm và có màu xanh lục hoặc màu trắng. Cải xoong có vị hơi hăng và trở thành loại rau có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Cải xoong phát triển tốt nhất trong môi trường nước có nồng độ kiềm nhẹ nên thường được trồng ở vùng thượng nguồn của dòng nước chảy. Nếu mọc hoang dã, cải xoong có thể cao lên 50 – 120cm.
Giá trị dinh dưỡng của cải xoong
Cải xoong có hàm lượng calo thấp nhưng lại chứa nhiều dinh dưỡng. Chẳng hạn, trung bình 100gr cải xoong sống gồm các chất dinh dưỡng như sau:
- Năng lượng: 11kcal
- Carbohydrate: 1.3g
- Chất đạm: 2.3g
- Vitamin A: 64% DV (giá trị dinh dưỡng hằng ngày)
- Vitamin C: 72% DV
- Vitamin E: 5% DV
- Vitamin K: 312% DV
- Vitamin B1: 6% DV
- Vitamin B2: 7% DV
- Vitamin B3: 1% DV
- Vitamin B6: 6% DV
- Vitamin B9: 2% DV
- Nhiều khoáng chất: 120mg canxi, 21mg magie, 60mg phốt pho, 330mg kali,…
Tác dụng của cải xoong đối với sức khỏe
Vì chứa nhiều chất dinh dưỡng nên cải xoong có một số tác dụng nổi bật về sức khỏe như sau:
Chứa chất chống oxy hóa cao
Cải xoong nằm trong danh sách 12 loại rau thuộc họ Cải chứa đến hơn 40 hợp chất thực vật flavonoid, thậm chí tổng hàm lượng phenol và khả năng trung hòa các gốc tự do của cải xoong cao hơn nhiều so với các loại rau khác.
Hợp chất thực vật còn gọi là chất chống oxy hóa, giúp cơ thể chống lại sự tổn thương của tế bào do sự gây hại của các gốc tự do gây ra, dẫn đến stress oxy hóa. Trong khi stress oxy hóa lại liên quan đến một số bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Chính vì thế, với chế độ bổ sung cải xoong hợp lý trong khẩu phần ăn có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và ung thư.
Ngăn ngừa ung thư
Trong cải xoong có chứa glucosinolate, đây là hợp chất có khả năng kích hoạt isothiocyanates (gồm có phenethyl isothiocyanate – PEITC và sulforaphane).
Các hợp chất này đều có tác dụng phòng chống ung thư bằng cách bảo vệ tế bào khỏe mạnh, vô hiệu hiệu quả các chất gây ung thư đồng thời cũng có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào khối u.
Cụ thể, hợp chất isothiocyanates trong cải xoong đã được các nhà nghiên cứu chứng minh khi có tác dụng ngăn ngừa ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt, phổi và ung thư da.
Không những thế, theo kết quả nghiên cứu khác còn cho thấy thêm hợp chất sulforaphane và isothiocyanates có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Chế độ bổ sung cải xoong trong khẩu phần ăn cũng như các loại rau cải khác đều có lợi cho sức khỏe tim mạch và làm giảm cholesterol.
Chẳng hạn, theo kết quả phân tích từ các cuộc nghiên cứu gồm có trên 500.000 người cho thấy chế độ ăn các loại rau họ Cải đều có tác dụng làm giảm 16% nguy cơ mắc bệnh tim.
Hơn nữa, các chất chống oxy hóa như beta carotene, zeaxanthin và lutein đều tác dụng tích cực đến tình trạng huyết áp cao, bệnh tim cũng như làm giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Ngoài ra, hàm lượng nitrat đáng kể trong cải xoong còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe mạch máu khi giảm bớt tình trạng viêm, độ cứng và độ dày của mạch máu. Đồng thời, chất khoáng này còn làm tăng oxit nitric trong máu của bạn.
Giúp xương chắc khỏe
Cải xoong chứa nhiều khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như canxi, magie, phốt pho và kali đều tác động tích cực đến sức khỏe xương.
Không những thế, hàm lượng vitamin K trong cải xoong được xem là một thành phần của osteocalcin – một loại protein góp phần tạo nên mô xương khỏe mạnh và hỗ trợ điều chỉnh sự luân chuyển xương.
Vì theo nghiên cứu đã chứng minh việc tiêu thụ nhiều vitamin K giúp giảm nguy cơ bị gãy xương đến 35% so với người tiêu thụ ít.
Tăng cường hệ miễn dịch
Nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào, cải xoong trở thành thực phẩm giúp cho hệ miễn dịch được khỏe mạnh khi làm tăng việc sản xuất các tế bào bạch cầu nhằm chống lại sự nhiễm trùng trong cơ thể.
Đó cũng là lí do vì sao vitamin C làm giảm các triệu chứng liên quan đến cảm cúm thông thường.
Hỗ trợ giảm cân hiệu quả
Dù chứa ít calo nhưng cải xoong lại giàu các chất dinh dưỡng khác đều cần thiết cho cơ thể, nên trở thành thực phẩm tốt cho chế độ giảm cân cũng như kiểm soát được số cân nặng lý tưởng cho bạn.
Tăng cường sức khỏe khi hoạt động thể thao
Các loại cải thuộc họ Brassicaceae, gồm có cải xoong, chứa hàm lượng nitrat cao nên có tác dụng hỗ trợ sức khỏe cho những ai hoạt động các môn thể thao thường xuyên.
Cụ thể, nitrat làm giãn mạch máu và tăng lượng oxit nitric trong máu, từ đó cải thiện hiệu suất hoạt động tập thể dục của bạn. Vì thế, thực phẩm này được bổ sung trong chế độ ăn uống của các vận động viên ngoài việc sử dụng củ cải đường.
Cải thiện sức khỏe mắt
Cải xoong chứa hợp chất chống oxy hóa mạnh như lutein và zeaxanthin, đều là những hợp chất cần cho sức khỏe đôi mắt, nhất là tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do đục thủy tinh thể và tuổi tác.
Ngoài ra, hàm lượng vitamin A và C còn góp phần đẩy lùi bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
Những lưu ý khi sử dụng cải xoong
Dù cải xoong chứa nhiều dưỡng chất cần thiết và tốt cho sức khỏe nhưng khi sử dụng loại rau này thì bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề sau:
Chọn rau sạch, có nguồn gốc rõ ràng và sơ chế kỹ: Vì môi trường sống của cải xoong thường là những nơi có nước như ao hồ, nên không tránh khỏi được sự xâm nhập của các loại ấu trùng, ký sinh trùng và thậm chí là các tác nhân gây bệnh như hóa chất từ thuốc trồng trọt hay nước sinh hoạt từ con người.
Do đó, bạn hãy chọn cải xoong có nguồn gốc rõ ràng và hãy ngâm kĩ nước muối pha loãng để giảm bớt các chất gây hại cho cơ thể.
Cân nhắc khi dùng kèm với hải sản: Vì cải xoong có chứa hàm lượng vitamin C đáng kể nên khi gặp chất asen có trong hải sản, sẽ tạo ra một số hợp chất gây bất lợi cho sức khỏe người ăn.
Tránh dùng với một số đối tượng có bệnh liên quan đến dạ dày, thận hoặc có hệ miễn dịch yếu, vì một số chất trong cải xoong sẽ làm cho tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng hơn.
Các món ăn ngon từ cải xoong
Cải xoong xào
Bạn có thể xào cải xoong với tôm, thịt bò hay chỉ đơn giản là với gia vị tỏi cũng làm nên món xào hấp dẫn trong bữa cơm của gia đình. Vị ngọt xen lẫn chút vị nhẵn nhẹ của cải xoong, rồi kèm với thịt dai của tôm hay thịt bò giúp bạn ngon miệng hơn trong suốt bữa ăn.
Mì ramen dưa hấu cải xoong
Sợi mì dai mềm vừa phải, vị ngọt của cải xoong hòa lẫn với vị chua nhẹ, giòn giòn của kim chi dưa hấu, bạn chắc chắn phải thử ngay món mì này đấy!
Rau ăn kèm lẩu
Cải xoong là một trong những loại rau được dùng kèm với nhiều món lẩu, như lẩu mắm ghẹ theo công thức Khoeplus24h gợi ý dưới đây, sẽ khiến bạn mê mẩn với hương vị đặc trưng của mắm. Rau cải xoong cùng với các loại nấm, rau cải khác sẽ cân bằng lại vị mặn của nước lẩu.
Salad cải xoong
Chỉ vài thao tác đơn giản là bạn có ngay món salad cải xoong thanh đạm được kết hợp với các nguyên liệu rau củ khác. Món ăn không chỉ ngon mà còn giúp bạn giảm cân hiệu quả.
XEM THÊM CÁC NỘI DUNG CÙNG CHỦ ĐỀ RAU CỦ:
- Romanesco broccoli – Súp lơ san hô có tác dụng gì? Chọn mua và cách nấu
- Hạt hickory là gì? Tác dụng của hạt hickory và cách sử dụng
- Nấm keo là gì? Nấm keo có tác dụng gì? Cách phân biệt nấm keo và nấm tràm
Với những thông tin phía trên, Khoeplus24h hy vọng đã giúp bạn biết thêm về 8 tác dụng của cải xoong, lưu ý sử dụng và các món ăn ngon từ cải xoong nhé!