Cà gai leo có vị hơi the, được sử dụng như một loại thuốc quý trong Y học cổ truyền khác với cà pháo được sử dụng trong ẩm thực miền Bắc. Vậy cà gai leo là gì? Cùng khoeplus24h tìm hiểu những tác dụng của cà gai leo và cách dùng cà gai leo sao cho hiệu quả đối với sức khỏe thông qua chuyên mục khoẻ dinh dưỡng nhé!
Cà gai leo là gì?
Cà gai leo là loại cây thuốc nam, có tên khoa học là Solanum hainanense thuộc họ Solanaceae. Hơn nữa, cà gai leo còn được biết đến với nhiều tên gọi khác là cà quánh, cà lù, cà vạch, cà quýnh, cà cườm hoặc cà gai dây.
Tại Việt Nam, cà gai leo được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Bắc cho đến Huế.
Cà gai leo thuộc thân cây leo nhỏ, sống nhiều năm với chiều cao trung bình khoảng 1m. Thân cây phân thành nhiều cành xòe rộng và có gai cong màu vàng. Lá có dạng hình thuôn hoặc bầu dục, mọc so le với lớp lông tơ màu trắng phủ đầy trên bề mặt lá.
Hoa màu trắng, cây gai leo thường ra hoa từ tháng 4 – 9. Quả gai leo có hình cầu với đường kính từ 7 – 9mm, khi non thì vỏ màu trắng đục, khi chín dần chuyển sang vàng và đỏ, da bóng loáng. Hạt cà có dạng hình thận và màu vàng nhạt.
Người ra thường sử dụng phần quả, rễ và cành cây dưới dạng phơi khô hoặc sấy khô, thỉnh thoảng cũng sử dụng dạng tươi.
Các loại cà gai leo
Giống như các loại thực vật khác, cà gai leo cũng có nhiều giống và được phân biệt dựa vào 3 đặc điểm sau:
Dựa vào màu sắc của hoa
Hoa cà gai leo có 2 màu phổ biến là hoa màu trắng và hoa màu tím. Với cây cà gai leo hoa trắng có kích thước dây nhỏ thì được sử dụng phổ biến trong công nghiệp dược phẩm bào chế thuốc, trong khi cây cà gai leo màu tím thì lại có kích thước dây lớn hơn nên chủ yếu dùng để xây thành hàng rào.
Dựa theo vùng miền
Nếu dựa vào khu vực trồng trọt (theo vùng miền), thì cây cà gai leo cũng phân thành 2 loại: loại cà gai leo miền Trung có thân cây nhìn cứng cáp và màu nâu đất, trong khi cà gai leo miền Nam cùng với miền Bắc thì có thân cây trông bụ bẫm và có màu xanh.
Dựa theo đặc điểm tính chất
Nếu dựa vào tính chất đặc điểm, thì cà gai leo có thể phân thành 2 loại: cà gai leo loại khô và cà gai leo loại tươi.
Tác dụng của cà gai leo
Cà gai leo được sử dụng nhiều trong phương thuốc Đông y chữa bệnh vì có một số tác dụng nổi bật như sau:
Hỗ trợ điều trị viêm gan do vi rút gây ra
Nhờ hoạt chất glycoalcaloid, cà gai leo có khả năng hỗ trợ điều trị và cải thiện các triệu chứng bệnh viêm gan B (như vàng da, mệt mỏi, chán ăn), đồng thời còn có thể làm tăng hệ thống miễn dịch cho bệnh nhân.
Đây chính là kết quả được đề cập trong bài luận Tiến sĩ Bác sĩ Trịnh Thị Xuân Hòa khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng các sản phẩm chứa cà gai leo trên những bệnh nhân (sau 3 tháng sử dụng) đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103.
Thậm chí, sau 3 tháng sử dụng cà gai leo đã giảm được nồng độ vi rút trong máu đáng kể.
Làm chậm sự tiến triển của bệnh xơ gan
Theo kết quả nghiên cứu của Viện dược liệu Trung ương từ 1987 – 2000 cho hay: một số hoạt chất trong cà gai leo, nhất là glycoalcaloid có tác dụng ức chế sự phát triển của bệnh xơ gan cũng như giảm thiểu mức độ xơ gan trong giai đoạn đầu.
Hỗ trợ giải độc gan và làm hạ men gan
Các hoạt chất trong chiết xuất cà gai leo có tác dụng bảo vệ gan dưới sự tác động của độc tính TNT, nhờ đó ức chế sự hủy hoại tế bào gan và giảm bớt sự tổn thương gan.
Kết quả nghiên cứu này được đề cập trong luận án Tiến sĩ Y học của PGS.PTS Nguyễn Khắc Hải cùng với GS.TS Nguyễn Phúc Hưng.
Ức chế một số loại ung thư
Chiết xuất từ cây cà gai leo chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ nên có khả năng chống viêm và làm giảm sự tổn thương do hoạt động oxy hóa gây ra.
Vì thế, việc sử dụng cà gai leo có hiệu quả tốt trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư gan,… và thậm chí có thể ức chế được vi rút gây ra ung thư.
Lưu ý khi sử dụng cà gai leo
Tuy có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, nhưng cà gai leo có dược tính mạnh nên khi sử dụng bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Liều lượng sử dụng
Tùy theo thể trạng sức khỏe và độ tuổi cũng như một số yếu tố khác, việc dùng cà gai leo để chữa bệnh cần được sử dụng liều lượng khác nhau để mang lại hiệu quả tốt nhất. Hơn nữa, tốt nhất là sử dụng cà gai leo theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc thầy thuốc.
Cẩn trọng với phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng về mức độ nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú nhưng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thảo dược này cho các đối tượng phụ nữ vừa mới nêu.
Tương tác với thuốc điều trị bệnh
Cà gai leo hỗ trợ tốt trong quá trình điều trị bệnh nhưng khi sử dụng loại thảo dược này vẫn có thể gây tương tác với một số thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác mà người dùng sử dụng.
Do đó, để tránh làm giảm hiệu quả cà gai leo cũng như phát huy hiệu quả của thuốc điều trị bệnh thì người dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Cách dùng trà cà gai leo
Lấy một lượng 50 – 60gr cà gai leo khô, đem đi rửa cho thật sạch rồi cho vào ấm trà. Kế tiếp, đổ nước sôi vào ấm vừa đủ ngập trà cà gai leo rồi rót hết phần nước sôi đó bỏ đi.
Kế tiếp, đổ 200ml nước sôi vào ấm, hãm trà lần 2 trong vòng 10 phút. Cuối cùng, rót vào ấm trà 1 lít sôi nước nữa là có thể dùng ngay được.
XEM THÊM CÁC NỘI DUNG CÙNG CHỦ ĐỀ TRÁI CÂY:
- Tổng hợp các loại trái cây tăng sức đề kháng, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch
- Tổng hợp 15 loại trái cây tốt cho da mặt dễ dàng bổ sung nhất
- Tổng hợp những loại trái cây (hoa quả) tốt cho bà bầu
Với những chia sẻ phía trên, hy vọng bạn đã hiểu thêm về cà gai leo là gì cũng như những tác dụng của cà gai leo và cách dùng cà gai leo sao cho hiệu quả rồi nhé! Khoeplus24h chúc bạn luôn khỏe và ghé thăm chuyên mục khoẻ dinh dưỡng thường xuyên!