Estrogen là một loại hormone phổ biến ở nữ giới, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong suốt quá trình phát triển, sức khỏe và hoạt động sinh sản của nữ giới. Vậy Estrogen là gì, có vai trò gì? Estrogen có tác dụng gì? Cùng tìm hiểu với KHOEPLUS24H ngay nhé!
Estrogen là gì?
Khái niệm
Estrogen là một loại hormone sinh dục được buồng trứng sản xuất ra trong cơ thể của người phụ nữ. Ngoài ra, hormone này cũng được tạo ra từ tuyến thượng thận (là phần nằm ở trên cùng mỗi quả thận) và mô mỡ.
Estrogen sẽ di chuyển qua máu và hoạt động khắp nơi bên trong cơ thể, nhất là phụ trách về các đặc điểm cơ thể và hoạt động chức năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, ở nam giới vẫn được tìm thấy một lượng nhỏ Estrogen.
Phân loại
Có 3 loại Estrogen mà cơ thể có thể sản xuất ra được, đó là:
Estradiol (E2): Viết đầy đủ là ethinyl estradiol, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng và số lượng có thể thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Trong đó, một lượng nhỏ estradiol được chuyển đổi sang estrone.
Loại hormone này cũng hoạt động chính trong cơ thể của người phụ nữ, từ giai đoạn bắt đầu có kinh cho đến thời kỳ mãn kinh. Chúng tồn tại nhiều trong máu hơn các loại Estrogen khác, tác động mạnh đến các thụ thể hormone đặc hiệu với Estrogen bên trong cơ thể.
Estrone (E1): Là loại Estrogen phổ biến thứ 2 và cũng tác động đến các thụ thể hormone khác nhưng ít hơn so với estradiol.
Estrone được sản xuất chủ yếu từ quá trình aromatization để làm thay đổi nội tiết tố androgen thành estrone. Quá trình đó thường xảy ra trong tế bào mỡ hoặc mô mỡ, và trong cơ bắp.
Ngoài ra, một lượng nhỏ estrone được sản xuất từ buồng trứng của người phụ nữ. Đặc biệt, trong và sau thời kỳ mãn kinh, khi buồng trứng không còn khả năng sản xuất ra Estrogen nữa thì loại estrone vẫn có thể tiếp tục được sản xuất bên trong cơ thể.
Estriol (E3): Là loại Estrogen được xuất hiện nhiều trong thời gian mang thai nhờ sự hoạt động của nhau thai và nó cũng ít tác động đến các thụ thể Estrogen bên trong cơ thể.
Có thể nói, estriol giữ nhiều vai trò quan trọng trong thời kỳ mang thai, nhất là góp phần tăng trưởng và phát triển thai nhi từ tuần thứ 6 trở đi, kể cả khi người phụ nữ đang trong thời gian cho con bú sau khi sinh.
Tác dụng của Estrogen trong cơ thể
Estrogen không chỉ là một loại hormone sinh dục chính của người phụ nữ mà chúng còn đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau bên trong cơ thể, như:
Phát triển cơ thể nữ giới
Estrogen sẽ chịu trách nhiệm chính cho sự hoạt động, phát triển và duy trì các bộ phận đặc trưng của người phụ nữ, như âm đạo, tử cung, bộ ngực cùng với sự phát triển của lông bắt đầu từ tuổi dậy thì.
Nói cách khác, sự xuất hiện của Estrogen vào thời điểm xuất hiện kinh nguyệt đầu tiên, là dấu hiệu cho thấy khả năng sinh đẻ ở người phụ nữ.
Estrogen và chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt xảy ra có liên quan đến việc mang thai, nghĩa là nếu bạn không có thai thì lớp niêm mạc tử cung bị bong ra và gây ra hiện tượng có kinh – diễn ra theo chu kỳ mỗi tháng. Trong đó, Estrogen là hormone phụ trách chính trong việc tạo nên lớp niêm mạc tử cung.
Phát triển xương
Estrogen cũng có mặt trong sự phát triển của xương và bảo vệ chống lại hiện tượng mất xương.
Vì thế, trong thời kỳ mãn kinh, lượng Estrogen bị giảm xuống, đồng nghĩa với việc cơ thể của người phụ nữ phải đối diện với tình trạng mất xương – một trong những nguyên nhân gây bệnh loãng xương, thậm chí là dễ bị gãy xương hông ở nữ giới.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Estrogen cũng góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe tim mạch, vì có tác dụng giữ cho các mạch máu luôn được khỏe mạnh, giảm viêm và hỗ trợ kiểm soát nồng độ cholesterol.
Điều này cũng có nghĩa rằng: Khi cơ thể người phụ nữ không còn Estrogen nữa, thì bệnh tim cũng gia tăng đáng kể.
Điều chỉnh cảm xúc
Estrogen có ảnh hưởng đến cấu trúc và sự hoạt động của não bộ. Chẳng hạn, Estrogen có tác động đến serotonin – đây là một loại hormone ảnh hưởng đến tâm trạng con người.
Vì thế, sự hiện diện của Estrogen cũng ảnh hưởng gián tiếp đến việc kiểm soát và duy trì cảm xúc con người. Bằng chứng, sau khi sinh hoặc trong và sau thời kỳ mãn kinh, lượng Estrogen thấp có thể gây ra triệu chứng trầm cảm thường gặp ở phụ nữ.
Giảm nguy cơ ung thư
Theo một số nghiên cứu cho thấy: Hàm lượng phytoEstrogen và Estrogen cao có liên quan đến việc giảm thiểu tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú.
Trong đó, phytoEstrogen cũng đã được các nhà khoa học chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Estrogen có trong thực phẩm nào?
PhytoEstrogen cũng là một loại Estrogen, có đặc tính chống oxy hóa, nhờ đó có thể chống lại sự phá hủy tế bào do các gốc tự do gây ra.
Bạn có thể tìm thấy loại Estrogen này trong các thực phẩm có chứa hợp chất thực vật nhóm flavonoid (như quercetin), isoflavones, resveratrol và lignans, như:
- Hạt lanh: giàu lignans – thuộc nhóm polyphenol.
- Đậu nành: chứa nhiều isoflavone.
- Quả đào: chứa lignans.
- Tỏi, rượu vang đỏ: giàu resveratrol.
- Hạt vừng, rau họ Cải: chứa nhiều phytoEstrogen.
- Quả hạch: giàu phytoEstrogen,…
Như vậy, bạn đã hiểu thêm về Estrogen là gì, Estrogen có tác dụng gì đối với cơ thể ra sao rồi đấy. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn để có kế hoạch ăn uống hợp lý, nhằm duy trì được hàm lượng Estrogen tối ưu nhất trong cơ thể.