Cải củ turnip được sử dụng trong nhiều món salad và món nướng của phương Tây với hình dạng củ khá ngộ nghĩnh. Vậy hãy cùng KHOEPLUS24H tìm hiểu nhiều hơn về cải củ turnip là gì? Thành phần dinh dưỡng và tác dụng của cải củ turnip qua chuyên mục Mẹo vào bếp ra sao nhé!
Cải củ turnip là gì?
Cải của turnip là gì?
Cải củ turnip là loại củ được trồng ở khí hậu ôn đới, có tên khoa học là Brassica rapa subsp.rapa hay còn được gọi là củ cải trắng, củ cải đỏ hoặc củ cải xanh dựa theo màu sắc của chúng. Ngoài ra, nó còn thuộc họ với một số loại cải như cải thìa, cải Brussels và cải xoăn.
Các giống hoang dã của loại cải củ này được tìm thấy ở những nước thuộc khu vực Tây Á và châu Âu. Thậm chí hạt giống đầu tiên được thuần hóa nhiều lần tại các khu vực trải dài từ Địa Trung Hải đến Ấn Độ.
Giống củ cải ăn được có thể được trồng lần đầu tiên ở tại Bắc Âu và trở thành thực phẩm quan trọng tại Hy Lạp và La Mã. Sau đó, củ cải turnip được di thực đến phía đông vào Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 700 sau Công nguyên.
Đặc điểm cải củ turnip
Cải củ turnip là phần rễ lưu trữ được phình to ra tạo thành củ, có kích thước từ 1 – 6cm, lớp vỏ màu trắng và nhô ra khỏi mặt đất.
Vì thế phần củ này có thể chuyển thành màu đỏ, màu trắng tím hoặc màu xanh lục khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Phần thịt bên trong củ cải là màu trắng. Lá cây cải củ được mọc trực tiếp từ phần trên mặt đất của gốc.
Phần lá có vị hăng nhưng sẽ dịu đi khi được nấu chín. Lá củ cải nhỏ được sử dụng nhiều hơn so với loại lá lớn, vì chúng ít đắng và thưởng thức như một loại rau luộc bình thường.
Trong khi, phần củ có hương vị nhẹ hơn nên có thể được ăn sống như trong món salad và chế biến nhiều món ăn khác.
Thành phần dinh dưỡng của cải củ turnip
Cải củ turnip chứa hàm lượng chất dinh dưỡng đáng kể, chủ yếu là các loại vitamin (vitamin A, vitamin C, vitamin B9 và vitamin K) và các khoáng chất nhưng lại chứa ít calo.
Trung bình mỗi cốc (130gr) củ cải turnip gồm các chất dinh dưỡng như sau:
- Năng lượng: 36 calo
- Carbs: 8gr
- Chất xơ: 2gr
- Chất đạm: 1gr
- Vitamin C: 30% DV (giá trị hàng ngày)
- Vitamin B9: 5% DV
- Khoáng chất: 3% DV phốt pho, 3% DV canxi,…
Ngoài ra, trong mỗi cốc (55 gram) lá củ cải turnip cũng chứa hàm lượng chất dinh dưỡng nhất định như: Chất xơ: 2gr, vitamin C: 37% DV, vitamin K: 115% DV, pro – vitamin A: 35% DV, vitamin B9: 27% DV, canxi: 8% DV
Tác dụng của cải củ turnip
Cải củ turnip không chỉ là loại thực phẩm ngon, được dùng trong món ăn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu bạn sử dụng đúng cách:
Hỗ trợ phòng chống ung thư
Củ cải turnip chứa hàm lượng vitamin C đáng kể, giúp ngăn ngừa sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư. Hơn nữa, loại củ cải này còn chứa một số hợp chất thực vật có lợi trong việc phòng chống ung thư.
Glucosinolates: có hoạt tính sinh học và đặc tính chống oxy hóa, nên có tác dụng giảm thiểu sự gây hại của stress oxy hóa đến các tế bào ung thư – như ung thư ruột kết, trực tràng và ung thư phổi.
Flavonoid, nổi bật nhất là anthocyanin đã từng được chứng minh có khả năng chống ung thư nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh của nó.
Anthocyanins thường có trong trái cây, nhất là các loại rau xanh và loại quả có màu tím mang lại hiệu quả trong việc phòng chống một số bệnh mãn tính và thoái hóa.
Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu
Việc dùng củ cải turnip còn có lợi trong việc hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, nhất là đối với những người bị bệnh tiểu đường.
Chẳng hạn, trong một nghiên cứu kéo dài 9 tháng trên động vật, cho thấy việc điều trị bằng 45mg chiết xuất từ củ cải đã làm giảm nồng độ đường trong máu và tăng mức độ nhạy cảm của insulin trong cơ thể của chúng.
Ngoài ra, chiết xuất này còn giúp điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa khác thường liên quan đến bệnh tiểu đường như hàm lượng cholesterol và nồng độ triglyceride cao trong máu.
Trong một nghiên cứu khác diễn ra 28 ngày đã chứng minh thêm: việc dùng 90 – 180mg chiết xuất từ lá củ cải đã làm giảm đáng kể lượng đường trong máu, gồm cả việc làm giảm tổng thể hàm lượng cholesterol và cholesterol LDL xấu.
Nói một cách khác, chiết xuất từ củ cải và lá củ cải đều có thể làm giảm lượng đường trong máu, giảm việc sản xuất glucose ở gan và giảm quá trình hấp thụ carbs trong cơ thể.
Có tác dụng chống viêm
Viêm thường liên quan đến nhiều bệnh mãn tính, phổ biến là viêm khớp, cao huyết áp (do xơ cứng động mạch) và ung thư.
Hợp chất glucosinolate được tìm thấy trong củ cải turnip có thể phân hủy thành indoles và isothiocyanates – cả hai hợp chất này đều có đặc tính chống viêm.
Cụ thể, một loại indole được tìm thấy trong củ cải là arvelexin, có thể ngăn chặn các hợp chất gây viêm khác trong cơ thể, như điều chỉnh sự tác động của gốc tự do oxit nitric liên quan đến quá trình viêm.
Ngoài ra, hợp chất arvelexin trong củ cải còn có thể làm giảm đáng kể tình trạng viêm và tổn thương các tế bào ruột kết ở người.
Tránh sự gây hại của vi khuẩn
Hợp chất glucosinolate trong củ cải turnip cũng có thể phân hủy thành isothiocyanates – vốn là hợp chất có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn đến 87% như đã được chứng minh trong ống nghiệm đối với chủng S. aureus và vi sinh vật E. coli.
Không những thế, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thực hiện trên ống nghiệm và động vật để đánh giá nhiều hơn về tác dụng của việc kết hợp isothiocyanates với kháng sinh tiêu chuẩn, nhằm mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn.
Như vậy, Khoeplus24h đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cải củ turnip là gì? Thành phần dinh dưỡng và tác dụng của cải củ turnip ra sao rồi đấy. Hy vọng bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích để sử dụng loại củ này tốt cho sức khỏe nhé!