Nghệ nổi tiếng là loại gia vị tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về công dụng và tác dụng phụ của loại củ này. Vậy hãy để chuyên mục Sức khỏe dinh dưỡng của KHOEPLUS24H giúp bạn hiểu rõ hơn về 13 công dụng nổi bật cùng với tác dụng phụ của nghệ nhé!
Nguồn gốc và đặc điểm
Nguồn gốc
Nghệ còn được gọi là khương hoàng, tên khoa học là Curcuma longa và có nguồn gốc từ phía đông nam Ấn Độ và vùng nhiệt đới Tamil Nadu.
Tên gọi khoa học của nghệ “Curcuma” bắt nguồn từ tiếng Ả Rập.
Cây nghệ được phân bố chủ yếu ở những khu vực có nhiệt độ từ 20 – 30 độ C cùng với lượng mưa đều mỗi năm. Chúng thường mọc hoang trong các khu rừng thuộc Nam Á và Đông Nam Á.
Đặc điểm
Nghệ thuộc loại cây thân thảo lâu năm và có chiều cao đến 1m. Cây tạo nhánh cao, hình trụ cùng với các lá mọc xen kẽ, xếp thành hai hàng, tạo thành bẹ lá, cuống lá và phiến lá.
Trong đó, các bẹ lá sẽ hình thành ra thân nghệ giả. Phần cuống lá dài khoảng 50 – 115cm. Phiến lá đơn có chiều dài từ 76 – 115cm và chiều rộng khoảng 45cm, dạng hình thuôn hoặc elip, được thu hẹp ở chóp.
Ở phần chóp trên cây thân giả sẽ mọc cụm hoa có độ dài 12 – 20cm. Nếu phía chóp không mọc ra hoa thì sẽ xuất hiện các lá bắp có màu xanh nhạt, dạng hình trứng hoặc thuôn, đồng thời phần chóp lá lúc này sẽ có dạng thon.
Hoa cây nghệ thuộc lưỡng tính, mọc đối xứng hai bên, kích thước khá lớn và có màu vàng. Quả nang mở có ba ngăn.
Người ta trồng cây nghệ để lấy củ, có thể sử dụng trực tiếp củ để chế biến hoặc nghiền thành bột nghệ để bảo quản và sử dụng lâu dài bằng cách luộc nghệ khoảng 30 – 35 phút, rồi đem sấy khô trong lò và nghiền thành bột.
Nghệ có vị hơi cay nóng, chút đắng giống mùi mù tạc.
Công dụng của nghệ
Nghệ chứa nhiều hợp chất tự nhiên, đặc biệt là chất curcumin – nổi tiếng với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Hãy cùng khoeplus24h điểm nhanh qua 13 công dụng nổi bật mà bạn nên biết về củ nghệ như sau:
Chứa hợp chất chống viêm tự nhiên
Viêm trên cơ thể thường có hai loại: viêm cấp tính và viêm mãn tính. Đối với viêm cấp tính, thời gian xảy ra thường ngắn và dường như có lợi cho cơ thể vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang chống lại các vi khuẩn gây hại xâm nhập.
Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm cấp tính không được cải thiện hoặc kéo dài thì sẽ dẫn đến viêm mãn tính.
Viêm mãn tính liên quan đến nhiều bệnh như hội chứng chuyển hóa,xơ vữa động mạch, ung thư, Alzheimer và một số tình trạng thoái hóa khác nữa.
Thực tế, chất curcumin chứa nhiều trong nghệ có khả năng chống viêm mạnh mẽ, thậm chí chất này mạnh hơn hẳn so với một số loại thuốc chống viêm khác.
Bằng chứng như theo kết quả thử nghiệm gồm 32 bệnh nhân bị viêm màng bồ đào trước mãn tính cho thấy: số lượng người dùng curcumin cải thiện tình trạng bệnh hơn hẳn so với người dùng điều trị bệnh bằng thuốc.
Hoạt tính của chất curcumin chỉ dừng lại ở cấp độ phân tử, giúp ngăn chặn phân tử NF-kB đi vào nhân tế bào của bạn, đồng thời kích hoạt các gen có khả năng liên quan đến chống viêm.
Tăng khả năng chống oxy hóa cơ thể
Curcumin trong nghệ là một chất chống oxy hóa mạnh, có thể trung hòa các gốc tự do – đây là nguyên nhân gây ra tình trạng lão hóa và nhiều bệnh tật khác.
Các gốc tự do thường có xu hướng phản ứng với các chất hữu cơ quan trọng trong cơ thể bạn như axit béo, protein hoặc DNA. Vì thế việc trung hòa các gốc tự do sẽ mang lại sức khỏe tốt và tránh gặp nhiều bệnh tật cho bạn.
Ngoài ra, curcumin còn góp phần tăng cường hoạt động của các enzym chống oxy hóa diễn ra trong cơ thể. Đây là kết quả từ một số thử nghiệm trên cơ thể chuột cho thấy.
Hơn nữa, người ta còn thử nghiệm trên chuột về việc sử dụng chiết xuất nghệ và hợp chất curcumin, kết quả cho thấy phương pháp này làm giảm stress oxy hóa và có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương gan mãn tính.
Cải thiện chức năng não
Chất curcumin chứa trong nghệ lại một lần nữa có tác dụng trong việc cải thiện chức năng não. Nó có thể làm tăng hormone BDNF – đây là hormone tăng trưởng và hoạt động trong não của bạn.
Cụ thể curcumin có khả năng làm tăng sự phát triển của các tế bào thần kinh mới và chống lại các quá trình thoái hóa khác nhau diễn ra trong não của bạn.
Thực tế cho thấy, các tế bào thần kinh sẽ ngày càng hình thành các kết nối mới, thậm chí ở một số vùng nhất định trong não, chúng sẽ có thể tự nhân lên và tăng số lượng tế bào. Ngoài ra, một số chứng rối loạn não thường gặp đều có liên quan đến nồng độ hormone BDNF.
Chẳng hạn, người ta thấy rằng việc dùng thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng BDNF, từ đó giảm bớt tình trạng bệnh trầm cảm. Hoặc việc tăng cường hormone BDNF cũng tác động tích cực đến bệnh mất trí nhớ của người lớn tuổi như bệnh Alzheimer.
Có thể nói, nhờ curcumin (chứa nhiều trong nghệ) sẽ cải thiện được tình trạng trí nhớ cũng như góp phần làm cho bạn thông minh và minh mẫn hơn.
Giảm nguy cơ bệnh tim
Curcumin còn có tác dụng trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vì nó hoạt động như một chất chống viêm và chất oxy hóa mạnh, giúp cải thiện chức năng của nội mô (lớp màn trong của mạch máu).
Rối loạn chức năng nội mô là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim, gặp phải khó khăn trong việc kiểm soát huyết áp, chứng đông máu cùng với một số bệnh lý khác.
Bằng chứng, theo kết quả nghiên cứu trên 32 phụ nữ sau mãn kinh cho thấy: việc uống curcumin trong 8 tuần có tác động tích cực đến chức năng của nội mô giống như uống thuốc Atorvastatin, tương đương với chế độ tập luyện thể dục trong thời gian 8 tuần.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu khác trên 121 người đang phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, kết quả cho thấy nhóm người dùng 4g curcumin mỗi ngày (trước và sau khi phẫu thuật vài ngày), giảm đi 65% nguy cơ bị đau tim.
Ngăn ngừa ung thư
Chất curcumin có trong nghệ cũng trở thành thực phẩm giúp ngăn ngừa ung thư và thậm chí có thể điều trị một số bệnh ung thư.
Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu lâm sàng cho thấy: curcumin là chất an toàn, có thể ngăn chặn sự hình thành, thúc đẩy và di căn của khối u của một số bệnh ung thư.
Hơn thế nữa, chất curcumin còn được nghiên cứu và sử dụng như một loại thảo mộc tự nhiên có lợi trong việc điều trị ung thư cũng như ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển và lây lan của ung thư ở cấp độ phân tử.
Đồng thời, curcumin có thể góp phần làm chết tế bào ung thư, giảm sự hình thành mạch máu mới của khối u và sự lây lan của tế bào ung thư.
Tuy nhiên, việc sử dụng curcumin vẫn còn được tiếp tục nghiên cứu thêm về khả năng điều trị ung thư ở người. Dù có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy: dùng 4gr mỗi ngày (suốt 30 ngày) làm giảm bớt 40% sự tổn thương ở ruột kết của 44 người đàn ông có nguy cơ chuyển sang ung thư ruột kết.
Ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer
Nghệ có công dụng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer nhờ hợp chất curcumin tác động tích cực đến sự hoạt động của não bộ.
Nói một cách khác, curcumin vừa có tác dụng chống, giảm viêm vừa giúp cho tế bào thần kinh tránh sự tổn thương của quá trình oxy hóa.
Thậm chí, nó có thể làm sạch các mảng amyloid – là sự tích tụ của các đám rối protein nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer.
Có lợi cho bệnh nhân viêm khớp
Nhiều nghiên cứu cho thấy: việc dùng chất curcumin có thể điều trị các triệu chứng của bệnh viêm khớp. thậm chí hoạt động hơn cả việc dùng một số thuốc chống viêm khác.
Chẳng hạn, kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 50 bệnh nhân viêm xương khớp (OA) được cho sử dụng 200mg curcumin mỗi lần, chứng minh tính hiệu quả của curcumin trong việc điều trị bệnh viêm khớp.
Chống lại bệnh trầm cảm
Việc sử dụng curcumin trong nghệ có tác động tích cực đến bệnh trầm cảm giống như bạn dùng thuốc Prozac để điều trị.
Cụ thể, trong một cuộc thử nghiệm gồm có 60 người bị trầm cảm, chia thành 3 nhóm: nhóm dùng thuốc Prozac, nhóm uống 1gr curcumin và nhóm dùng cả thuốc Prozac lẫn uống curcumin trong suốt 6 tuần.
Kết quả cho thấy cả 3 nhóm này đều cải thiện bệnh trầm cảm như nhau.
Bên cạnh đó, chất curcumin có thể tăng cường chất dẫn truyền thần kinh serotonin và dopamine của não cũng như cải thiện mức hormone BDNF ở não, đều có lợi trong việc chống bệnh trầm cảm.
Tăng tuổi thọ
Nhờ chứa hàm lượng curcumin đáng kể, nghệ có thể giúp kéo dài tuổi thọ của bạn hơn so với việc không sử dụng nghệ.
Vì curcumin hoạt động chất chống oxy hóa mạnh, giúp người ăn nghệ đẩy lùi được bệnh tật do khống chế và tiêu hủy được các gốc tự do, từ đó mang lại sức khỏe tốt và làm tăng tuổi thọ đáng kể.
Làm sáng da
Do chứa chất chống oxy hóa và một số thành phần khác có khả năng chống viêm, nghệ giúp làm sáng da và cải thiện tình trạng căng bóng cho làn da.
Vì thế, bạn có thể nghĩ đến việc đắp mặt nạ nghệ (có thể kèm theo một số thành phần khác như sữa chua Hy Lạp và mật ong) để cải thiện độ sáng làn da.
Chữa lành vết thương
Nhờ đặc tính giảm viêm và chống oxy hóa của curcumin, nghệ có thể giúp vết thương mau lành.
Vì theo nhiều nghiên cứu đã cho thấy nghệ có tác động tích cực đến mô và collagen. Ngoài ra, thông tin được đăng trên Tạp chí Khoa học Đời sống còn khuyên việc sử dụng nghệ hay bổ sung chất curcumin sẽ cải thiện tình trạng vết thương trên da hiệu quả.
Trị sẹo mụn
Chất chống viêm từ nghệ sẽ làm thu lỗ chân lông và làm dịu da cũng như giảm bớt tình trạng mụn trứng cá và một số vết sẹo khác do mụn gây ra.
Hỗ trợ điều trị nhiều bệnh da liễu
Nghệ có nhiều công dụng để hỗ trợ cho việc điều trị các bệnh liên quan đến da liễu như:
- Bệnh vẩy nến: kiểm soát các đợt xuất hiện và một số triệu chứng khác của bệnh vẩy nến nhờ nghệ có đặc tính chất chống oxy hóa và chống viêm. Ngoài ra, tổ chức bệnh vẩy nến Quốc gia còn chia sẻ rằng: hãy bổ sung nghệ vào món ăn để cải thiện tình trạng bệnh bên cạnh việc dùng trực tiếp.
- Bệnh ghẻ: người dân Ấn Độ còn sử dụng nghệ trong việc điều trị ghẻ từ khá lâu vì tính hiệu quả của nó.
Ngoài ra, nghệ còn hỗ trợ điều trị bệnh chàm, rụng tóc, liken phẳng,….
Tác dụng phụ của nghệ
Nghệ có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng việc lạm dụng nghệ sẽ dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn xảy ra như:
Tăng nguy cơ bị sỏi thận ở người nhạy cảm
Củ nghệ có chứa khoảng 2% oxalat. Khi cơ thể hấp thụ lượng chất này quá nhiều dễ gây ra bệnh sỏi thận, nhất là ở những người nhạy cảm và những người đang bị mắc bệnh sỏi thận.
Chẳng hạn, theo kết quả nghiên cứu trên 11 người khỏe mạnh, độ tuổi từ 21 – 38 tuổi, diễn ra trong 8 tuần, cho thấy: những người ăn nghệ có hàm lượng oxalat cao trong nước tiểu và có thể tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận hơn so với những người ăn quế.
Gặp phải một số triệu chứng về tiêu hóa
Khi tiêu thụ quá 1.000mg chất curcumin có trong nghệ, bạn có thể gặp phải một số vấn đề nhẹ liên quan đến tiêu hóa như đầy hơi, trào ngược axit trong dạ dày và tiêu chảy.
Nhức đầu và buồn nôn
Với một số người khi tiêu thụ hơn 45mg curcumin chứa trong nghệ, có thể gây chứng buồn nôn và đau đầu.
Phát ban da (dị ứng bột nghệ)
Trường hợp dị ứng như phát ban sau khi ăn nghệ cũng rất hiếm gặp nhưng theo kết quả nghiên cứu cho thấy nếu tiêu thụ nhiều hơn 8.000mg curcumin (có trong nghệ) thì mới xảy ra tác dụng phụ này.
Các món ăn từ nghệ
Nghệ là gia vị được dùng phổ biến trong ẩm thực châu Á và bất kì gia đình người Việt nào cũng đều có củ nghệ trong nhà bếp. Vậy hãy vào bếp để chế biến nhiều món ăn ngon từ nghệ như:
Gà kho sả nghệ
Gà kho sả nghệ có màu vàng ươm bắt mắt và vị hăng nhẹ đặc trưng của nghệ, thịt gà có độ dai mềm vừa phải cùng với vị mặn ngọt của nước gà kho. Ăn món này thì phải kèm theo cơm nóng thì rất tuyệt!
Trứng cá thu kho nghệ
Trứng cá thu kho nghệ có màu vàng nâu rất hấp dẫn. Khi nếm thử trứng cá bạn sẽ cảm nhận được vị bùi béo đặc trưng của trứng cá, đâu đó còn thoang thoảng vị hăng nhẹ của nghệ. Đây có lẽ là món khoái khẩu của rất nhiều người đấy!
Lòng heo xào nghệ
Đây là món đặc sản mà bất kì người miền Trung nào cũng biết. Lòng heo dai giòn kết hợp với vị hăng, nhẵn nhẹ của nghệ và nhất là hương thơm đặc trưng của củ nén. Khi ăn lòng xào nghệ, bạn không thể thiếu bánh tráng mè nướng để tăng thêm vị bùi béo.
Mứt nghệ tươi
Mứt nghệ tươi có màu đỏ cam đặc trưng, được sên khô với lớp đường giòn bên ngoài và lát nghệ dẻo, thơm bên trong. Đây là món mứt có công dụng tốt cho sức khỏe và dễ ăn ở những người lớn tuổi.
Nghệ ngâm mật ong
Nghệ cũng được ngâm chung với mật ong, có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm đau bụng kinh, chữa nhức mỏi, giải độc hay một số triệu chứng liên quan đến dạ dày.
Nghệ mật ong có thể uống trực tiếp hoặc thoa lên da với mục đích làm đẹp như trị thâm, trị nám, ngừa mụn, làm chậm quá trình lão hóa,….
Kem nghệ
Bạn có thể sử dụng nghệ để tạo nên màu sắc vàng và hương vị đặc biệt cho món kem. Kem nghệ rất dễ ăn khi được kết hợp với nước cốt dừa hoặc chuối đều mang lại vị lạ miệng. Hãy thử trổ tài thử 2 món kem này nhé!
XEM THÊM CÁC NỘI DUNG CÙNG CHỦ ĐỀ THỰC PHẨM DINH DƯỠNG:
- 15 thực phẩm giúp giảm dị ứng theo mùa (thời tiết), cho bạn mau khỏi
- Tổng hợp các loại thực phẩm bổ sung collagen giúp cơ thể luôn trẻ đẹp
- Tổng hợp 17 loại thực phẩm bổ sung vitamin C lành mạnh dành cho cơ thể
Như vậy, khoeplus24h đã chia sẻ xong cho bạn về 13 công dụng và tác dụng phụ của nghệ đối với sức khỏe của con người. Hy vọng bạn sử dụng nghệ sao cho đúng để có sức khỏe tốt nhé!